Cũng phải cảm ơn đại dịch đã cho cơ hội nhìn về nhân sinh. Lão Tử nói trong cơn bão, cây cỏ mềm thì sống, cây đứng thẳng thì gãy.
Các nước lớn tinh hoa thì bùng dịch, mấy nước “tiểu nông” thì kiểm soát được dịch. Càng làm ăn lớn lại càng có nguy cơ đóng cửa, ngưng trệ, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn sống bình thường. Càng những ngành nghề kinh doanh phục vụ cho cái tham, sự bành trướng của bản ngã thì càng có nguy cơ đóng băng: du lịch khách sạn nhà hàng áo quần bar pub chiếu phim party thuộc loại có thì vui thêm, không có không chết. Chỉ có bán đồ ăn là không bị ảnh hưởng. (Như một sự nhắc nhở: vui thôi đừng vui quá)
Châu Âu tự hào về phúc lợi xã hội thì lại là nơi trên 60 tuổi không được quyền ưu tiên cứu chữa. Những nước tự do dân chủ thì lại phải có cảnh sát kiểm soát việc người dân ra đường. Tầng lớp hưu trí an tâm “già có nhà nước lo” thì có lẽ đến lúc nhận ra không thể dựa vào chính phủ, sống chỉ có thể dựa vào trí tuệ và phước báo của bản thân đem ra xài, vì giờ tiền cũng không xài được.
Trong rạp chiếu phim, ghế ở hai đường biên thì gần Cửa thoát hiểm, khi có hiểm họa chạy nhanh hơn ghế VIP. Khi bị tắc đường, đi bộ và xe đạp thì dễ luồn lách ra khỏi đám đông, ô tô càng lớn càng đứng lại lâu. Trong mùa dịch đô thị bị ảnh hưởng nặng nhất chứ không phải vùng quê.
Cái hồi đọc mùa lũ, biệt thự của ngôi sao ABC nào đó chìm trong lũ cả cái tầng trệt, đúng là bất động sản càng lớn thì càng khiến người ta bất động. Muốn linh động, nhất định phải bớt cồng kềnh.
Cùng là ở nhà cách ly, người có lòng trí giản đơn thì ngày ăn ba bữa đọc sách coi phim tối nằm thẳng chân mà ngủ, người tinh hoa tham vọng thì bồn chồn không yên. Cùng là ở nhà, nhưng một ngôi nhà có khoảng sân, khoảnh vườn như ở quê vẫn cho cái cảm giác gần cha trời mẹ đất, không đến nỗi tù túng. Còn một căn chung cư tầng mấy chục cho cái cảm giác như bị nhốt trong cái hộp bê tông chơi vơi lơ lửng trên trời.
Vậy nên người thành thị ở nhà cao là những người cần đi du lịch nhiều hơn để về với thiên nhiên. Tưởng rằng mình ước ao có một căn hộ, nhưng nếu phải ở trong căn hộ hai chục ngày tự nhìn đồ đạc và lên mạng, họ sẽ nhận ra nếu ở căn hộ không đi kèm với du lịch mua sắm ăn uống, thì là một sự mất cân bằng khủng khiếp.Khi nào người ta cần giải trí? Khi người ta căng thẳng. Vì sao người thành thị cần nhiều giải trí? Vì vật liệu nhân tạo, bức xạ điện tử bao quanh họ tạo ra môi trường với hàm lượng ion âm cực thấp. Không thể lên youtube nghe tiếng nước chảy mưa rơi quán tưởng mình đang ở rừng hay trước thác nước rồi đóng cửa ngăn bụi mịn thì sẽ có ion âm được.
Năm trước, lúc mình đọc được đơn tuyển TNV đi Nam Cát Tiên, mình còn đọc cả comment của các bạn bên dưới: nào là đi ba tháng chó ở nhà ai nuôi, công việc không xếp được, muốn đi nhưng bận A bận B. Và trong khi các bạn còn lo xử lí những cồng kềnh ràng buộc thì một đứa người yêu không có chó không nuôi việc không làm như mình đã lặng lẽ gửi đơn và phỏng vấn xong :)) Lúc đó mình nhận ra, lợi ích của “hai bàn tay trắng” chính là còn khoảng trống để nắm lấy cơ hội. Và dĩ nhiên những bạn kia ở nhà. Có những cơ hội không cần bạn giỏi giang xuất chúng, chỉ cần bạn rảnh tay để nắm lấy :))
Chọn chỗ cao mà đứng, chỗ sáng mà phơi mình, chỗ đông mà chen chân, thích làm việc lớn bỏ qua việc nhỏ là tự vời họa vào mình, chính là điều Lão Tử nhắc nhở. Giờ cứ nhìn nơi tai họa nhất thì đều là chỗ cao, chỗ sáng, chỗ đông, chỗ làm việc lớn, chỗ tinh hoa chói lóa.
Như vậy cũng không phải để nói đứng chỗ thấp, chọn chỗ tối tăm, vắng vẻ, những thứ kia đều không có nghĩa gì. Cuối sách Năng đoạn kim cương, tác giả – một tu sĩ- sau khi điều hành doanh nghiệp kim cương để chứng minh đạo có thể đem vào đời, thậm chí làm giàu triệu đô, nhưng tự nhắc mình hào quang này rồi cũng cần có kết thúc. Đó chỉ là một trải nghiệm, còn vẫn phải quay về bản chất của mình: ngày ăn ba bữa, tự nhìn vào bên trong – hoàn toàn giống với cuộc sống cách ly.
Phúc họa là hai mặt của đồng xu. Những người ở quê, người làm ăn nhỏ, người mang tiếng không có việc ổn định, người hướng nội, người quan tâm đến cuộc sống tâm linh, người dân của nước nông nghiệp không lo thiếu gạo – nếu như chỉ vài tháng trước vẫn tưởng rằng mình “yếu thế”, giờ chắc cũng nhận ra được phúc phận của riêng mình. Trong họa nhìn thấy phúc. Họ chính là những đối tượng ít lao đao trong cơn bão này. Vì cũng đã quen với thong thả bình lặng ẩn mình, không hô mưa gọi gió, không ganh đua, không trèo lên cao mà phơi mình ra sáng.
Bà mình 95 tuổi, bảo là tao sống gần trăm năm chưa có chuyện tệ thế này. Cũng đúng, chiến tranh thì là do con người, chỉ cần dẹp cái ý tưởng bành trướng thì hết chiến tranh. Nhưng thứ virus tàng hình không biết tránh thế nào thì kết thúc thế nào? Eva ăn trái cấm đề được như Thiên Chúa, tự mình quyết định số phận, nàng không thích sự sắp đặt của vũ trụ. Thế là nàng hết hồn nhiên và sa vào tội lỗi, còn bị phạt. Có phải vì không tin vào kế hoạch tối cao mà ngày càng hung hăng thích tự quyết, nên con người đã mời đại dịch đến?
Nó phản ánh rất chính xác ý tưởng này: Dịch này làm chết một số người là điều đáng nói, nhưng đáng nói hơn là nó khiến cho tất cả người sống còn lại không thể tự mình quyết định đời mình được nữa.
Đọc để tham khảo, thêm góc nhìn mới. Sống vui, hạnh phúc từng phút giây , làm việc tốt trời xanh tự an bài.
– Thân Trang –