truyện ngắn kể bé nghe

CÂU CHUYỆN THỎ VÀ RÙA

 

Phần 1

Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ sống trong một khu rừng xinh đẹp và yên tĩnh. Ngày ngày chúng vui chơi với nhau như hai người bạn thân. Một hôm, Thỏ và Rùa cãi nhau xem ai nhanh hơn.

Rồi chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Thỏ và Rùa đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua. Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng rất nhanh, khi thấy rằng mình đã khá xa Rùa, Thỏ nghĩ nên nghỉ cho đỡ mệt dưới một bóng cây xum xuê lá bên vệ đường. Vì quá tự tin vào khả năng giành chiến thắng của mình, Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa chạy mãi rồi cũng đến nơi, thấy Thỏ đang ngủ ngon giấc Rùa từ từ vượt qua Thỏ và về đích trước Thỏ. Khi Thỏ thức dậy thì rùa đã đến đích và trở thành người chiến thắng. Lúc này Thỏ biết mình đã thua cuộc vì quá tự tin vào khả năng của mình, còn Rùa chiến thắng vì kiên trì bám đuổi mục tiêu và làm việc hết sức trong khả năng của mình, cộng với một chút may mắn và giành chiến thắng.

Ý nghĩa giáo dục phần 1: truyện giáo dục đức tính kiên trì, siêng năng, nhẫn nại. Những người nhanh nhẹn nhưng cẩu thả trong suy nghĩ cuối cùng cũng sẽ bị đánh bại bởi người kiên nhẫn, siêng năng dù họ chậm hơn rất nhiều.

Phần 2:

Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua Rùa, nó nhận ra rằng nó thua chính vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng thì rùa không thể có cơ hội hạ được nó. Vì thế, Thỏ quyết định thách thức Rùa bằng một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Lần này, Thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy một mạch về đích. Nó bỏ xa Rùa đến mấy dặm đường.

Ý nghĩa giáo dục phần 2: Biết sai và sửa sai là một đức tính tốt, đó chính là lý do giúp anh chàng thỏ giành được chiến thắng ở cuộc đua thứ 2. Mẹ hãy giải thích cho bé hiểu rằng trong công việc hàng ngày giữa một người chậm, cẩn thận và đáng tin cậy với một người nhanh nhẹn, đáng tin cậy, chắc chắn người nhanh nhẹn sẽ được trọng dụng hơn nhiều và họ sẽ tiến xa hơn trong học tập, cũng như trong cuộc sống. Cha mẹ hãy giúp bé hiểu rõ thông điệp “chậm và chắc là điều tốt, nhưng nhanh và đáng tin cậy sẽ tốt hơn rất nhiều”.

 

CÂU CHUYỆN CÂY TÁO THẦN

 

Ngày xửa, ngày xưa đã lâu lắm rồi, có một cây táo thần mọc ở ngoại ô thành phố. Hàng ngày bọn trẻ thường đến chơi ở đó, nô đùa xung quanh cây táo và bứt những quả táo ngon trên cành để chia nhau ăn.
Một hôm có một cậu bé không biết từ đâu đến, cậu bé cau mày nói với bọn trẻ:

– Này chúng mày, vườn này là của tao, tao đã mua từ trước. Cây táo này là của tao, chúng mày đi chỗ khác chơi, cấm không được đến đây nữa.

Nghe vậy, bọn trẻ rất buồn, tất cả cúi đầu lặng lẽ ra về, chỉ còn cậu bé hống hách ở lại.

Cây táo biết tất cả mọi chuyện, bằng phép lạ nó làm cho cậu bé ngủ thiếp đi dưới gốc cây và cũng bằng phép lạ nó làm cho cậu bé nằm mơ. Cậu bé mơ thấy trên thân cây táo có một cái hốc rất lớn. Cậu cảm thấy bụng đói cồn cào. Cậu bé trèo lên cây và định bứt táo để ăn. Nhưng mỗi khi tay cậu bé chạm vào một quả táo thì cành táo laị quay đi chỗ khác và quả táo lại rơi vào cái hốc to tướng ở thân cây. Cứ như vậy cho đến khi tất cả trên cành rơi vào hết cái hốc, chỉ còn trơ lại một quả trên cành.

Cậu bé ngồi dưới gốc cây và khóc. Đến lúc đó cây táo mới cất tiếng hỏi:

– Tại sao cháu khóc?

Cậu bé mếu máo trả lời:

– Ông ích kỉ quá. Ông ăn hết cả táo, ông không cho cháu một quả nào. Cháu đói lắm rồi ông ạ.

Cây táo cười và nói:

– Cháu có nhớ là cháu đã đuổi hết tất cả các bạn không? Các bạn cũng muốn ăn táo của ông nhưng cháu không cho các bạn một quả nào, như vậy cháu có ích kỉ không?

Cậu bé nhớ lại lúc các bạn buồn rầu ra về, cậu bé thấy ân hận vô cùng, cậu bé ngước nhìn cây táo và nói:

– Vâng cháu biết lỗi rồi!

Cây táo cất tiếng cười vang, rung cả cây, làm cho quả táo còn lại cũng rơi trúng đầu cậu bé, cậu bé giật mình tỉnh giấc. Cậu bé ngơ ngác nhìn xung quanh, cậu bé thấy mình đang nằm dưới gốc cây. Cái hố to tướng trên cây táo biến mất. Cây táo vẫn đứng yên lặng và trên cây vẫn sai trĩu quả.

Cậu bé chồm dậy, nhớ đến giấc mơ, cậu vội chạy đi gọi các bạn:

– Này các bạn ơi! Quay lại đây chơi đi. Mình xin lỗi các bạn vì đã đuổi các bạn đi.

Thế là tất cả cùng nhau chạy ra vườn. Cậu tự mình trèo lên bứt những quả chín ném xuống cho các bạn. Các bạn lại cười đùa vui vẻ. Cậu bé chợt hiểu rằng điều hạnh phúc nhất trên trái đất này là cùng chia sẻ niềm vui với mọi người.

Ý nghĩa giáo dục: Chỉ khi biết chia sẻ những thứ mình có với mọi người chúng ta mới có được niềm vui và hạnh phúc thực sự.

 

CÂU CHUYỆN CỦ CẢI TRẮNG

 

Mùa đông đã đến rồi trời lạnh buốt, Thỏ con không có gì để ăn cả. Thỏ con mặc áo vào rồi ra ngoài kiếm thức ăn. Nó đi mãi đi mãi cuối cùng cũng tìm được 2 củ cải trắng. Thỏ con reo lên:

– Ôi, ở đây có hai củ cải trắng liền, mình thật là may mắn!

Thỏ con đói bụng, muốn ăn lắm rồi. Nhưng Thỏ lại nghĩ:

– Ừm… trời lạnh thế này, chắc Dê con cũng không có cái gì để ăn đâu. Mình phải mang cho Dê con một củ mới được.

Thế là Thỏ con đi sang nhà bạn Dê nhưng Dê con không có nhà nên Thỏ đặt củ cải lên bàn rồi đi về.

Tình cờ, Dê con đi chơi cũng tìm được một củ cải trắng nhưng nó chỉ ăn trước một nửa.

Về đến nhà, lại thấy có một củ cải trắng ở trên bàn Dê thèm ăn lắm, nhưng lại nghĩ:

– Ôi trời lạnh thế này chắc Hươu con không có cái gì để ăn rồi, mình phải mang cho Hươu con mới được.

Dê con đến nhà Hươu nhưng Hươu lại đi vắng, Dê con bèn đặt củ cải ở trên bàn rồi về.

Khi Hươu về nhà, thấy củ cải ở trên bàn, Hươu ngạc nhiên lắm.

– Ồ, củ cải trắng ở đâu mà ngon vậy nhỉ. Xuỵt… thích quá. Nhưng chắc trời lạnh thế này, Thỏ con cũng không có gì ăn đâu.

Mình phải mang sang cho Thỏ mới được.

Khi Hươu đến thì Thỏ con đang ngủ rất say. Khi tỉnh dậy Thỏ lại thấy trên bàn mình xuất hiện một củ cải trắng.

Thỏ vui lắm nó chạy đi gọi các bạn:

– Bạn Hươu ơi, bạn Dê ơi hãy đến nhà tôi, chúng ta cùng ăn củ cải trắng thơm ngon này.

Thế là cuối cùng, củ cải trắng ấy được chia sẻ cho cả ba người bạn tốt bụng của chúng ta. Các bạn thấy đấy tấm lòng thơm

thảo, sẵn sàng sẻ chia của các bạn ấy thật là đáng học tập phải không nào?

Ý nghĩa giáo dục: Khi cho đi bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn những thứ mình có.

 

CÂU CHUYỆN DÊ ĐEN VÀ DÊ TRẮNG

 

Dê đen và Dê trắng cùng sống trong một khu rừng. Hàng ngày, cả hai thường đến uống nước và tìm cái ăn ở trong khu rừng quen thuộc.

Một hôm, Dê trắng đi tìm cái ăn và uống nước suối như mọi khi. Dê đang mải mê ngặm cỏ, bất chợt một con Sói ở đâu nhảy xổ ra.

Sói quát hỏi:- Dê kia! mi đi đâu?

Dê trắng sợ rúm cả người, lắp bắp:

– Dạ, dạ, tôi đi tìm… tìm cỏ non và…và uống nước suối ạ!

Sói lại quát hỏi:

– Mi có gì ở chân?

– Dạ, dạ, chân của tôi có móng ạ…ạ!

– Trên đầu mi có gì?

– Dạ, dạ, trên đầu tôi có đôi sừng mới nhú…

Sói càng quát to hơn:

– Trái tim mi thế nào?

– Ôi, ôi, trái…trái tim tôi đang run sợ…sợ…

– Hahaha…

Sói cười vang rồi ăn thịt chú Dê trắng tội nghiệp

Dê đen cũng đi tới khu rừng để ăn cỏ non và uống nước suối. Đang tha thẩn ngặm cỏ, chợt Sói xuất hiện, nó quát hỏi:

– Dê kia, mi đi đâu?

Dê đen nhìn con Sói từ đầu tới chân rồi ngước cổ trả lời:

– Ta đi tìm kẻ nào thích gây sự đây! Sói bị bất ngờ, nó hỏi tiếp:

– Thế dưới chân mi có gì?

– Chân thép của ta có móng bằng đồng.

– Thế…thế…trên đầu mi có gì?

– Trên đầu của ta có đôi sừng bằng kim cương!

Sói sợ lắm rồi, nhưng vẫn cố hỏi:

– Mi…mi…trái tim mi thế nào?

Dê đen dõng dạc trả lời:

– Trái tim thép của ta bảo ta rằng: hãy cắm đôi sừng kim cương vào đầu Sói. Nào, Sói hãy lại đây.

Ôi trời, sợ quá, con Sói ba chân bốn cẳng chạy biến vào rừng, từ đó không ai trông thấy nó lởn vởn ở khu rừng đó nữa.

Ý nghĩa giáo dục: Qua câu chuyện ngụ ngôn trên, bạn có thể truyền tải nhiều thông điệp khác nhau cho bé hiểu. Chẳng hạn như biết cách ứng xử trước các tình huống khó, nguy hiểm, lạc quan và bản lĩnh để xử lý vấn đề.

 

 

TRUYỆN CHÚ VỊT XÁM

 

Vịt mẹ dẫn Vịt con đi chơi. Trước khi đi, Vịt mẹ dặn:

– Các con phải đi theo mẹ, theo đàn, không được tách ra đi một mình mà con cáo ăn thịt đấy !

Đàn Vịt con vâng dạ rối rít.

Vừa ra khỏi cổng làng, chú Vịt Xám đã quên ngay lời mẹ dặn. Chú lẻn đi chơi một mình, lang thang hết nơi này đến nơi khác. Cuối cùng chú đến một cái ao có rất nhiều tôm cá. Đứng trên bờ nhìn xuống, chú thấy từng đàn cá, tôm bơi lội tung tăng dưới nước, thỉnh thoảng một con tôm cong mình nhảy tanh tách.

Thích quá, chú nhảy xuống mò lấy, mò để. Lúc ăn đã gần no, chú mới nhìn lên chẳng thấy Vịt mẹ đâu cả. Hoảng sơ, chú nhảy lên bờ gọi mẹ ầm ĩ : “Vít… vít… vít”. Gần đấy có một con cáo đang ngủ, nghe tiếng Vịt kêu, Cáo liền nhỏm dậy.

Nó lẩm bẩm

– Chà thịt vịt con ăn ngon lắm đấy ! Hôm nay mình sẽ được một bữa thịt vịt thật là ngon.

Nói rồi Cáo đi nhanh ra phía bờ ao. Khi Cáo vừa ra đến nơi thì cũng là lúc Vịt mẹ tìm thấy Vịt Xám. Trông thấy Cáo, Vịt mẹ vội dẫn Vịt Xám nhảy tùm xuống ao. Thế là Vịt Xám thoát chết.

Từ đấy Vịt Xám không bao giờ dám làm sai lời mẹ dặn.

 

BÁC GẤU ĐEN VÀ HAI CHÚ THỎ

 

Trời mưa to như trút nước. Gió thổi ào ào… bẻ gẫy cả cành cây. Gấu Đen đi chơi về bị ướt lướt thướt, nước mưa chảy ròng ròng xuống mặt Gấu. Gấu chạy mãi, chạy mãi trong rừng để tìm chỗ trú nhờ. Mai quá nhà của Thỏ Nâu đây rồi !

– Cốc. cốc. cốc.

Thỏ Nâu đang ngủ liền tỉnh dậy, gắt gỏng hỏi.

– Ai đấy ?

Bác Gấu Đen đây ! Mưa to quá, cho bác trú nhờ một đêm. Thỏ Nâu không mở cửa, nó cào nhàu :

– Không trú nhờ được đâu. Bác to quá, bác làm đổ nhà của cháu mất ! Gấu đen van nài :

– Bác không làm đổ nhà đâu. Bác vào rất nhẹ nhàng thôi !

– Nhẹ cũng đổ, không nhẹ cũng đổ : Bác đi đi !Thỏ Nâu vẫn nằm trong nhà nói vọng ra, nó nhất định không ra mở cửa. Gấu Đen buồn rầu. Nước mưa chảy ròng ròng xuống cổ Gấu Đen. Gấu Đen đi mãi, đi mãi, vừa mệt vừa rét. Bỗng nhiên Gấu Đen nhìn thấy có một ngôi nhà. Trong nhà thắp đèn sáng trưng. Có tiếng Thỏ Trắng khe khẽ hát “Là lá la…”. Gấu Đen lại gần và rụt rè gõ cửa :

– Cốc; cốc; cốc.

– Ai đấy ?

– Bác Gấu Đen đây ! Cho bác vào trú nhờ có được không ? Thỏ Trắng bước ra mở cửa.

– Ồ ! Chào Bác Gấu Đen, mời bác vào đây, bác ướt hết rồi !

Thỏ Trắng dắt bác Gấu Đen vào nhà, kéo ghế mời bác ngồi trước bếp lò. Gấu Đen hơ người một lúc, nước mưa trên mặt cũng khô, trên cổ cũng khô.

Trong khi bác Gấu Đen sưởi ấm. Thỏ Trắng bưng ra một đĩa bánh mời bác Gấu Đen ăn. Gấu Đen cảm động nói :

-Cảm ơn Thỏ Trắng.

Gấu Đen ăn xong, Thỏ Trắng và bác Gấu Đen cùng đi ngủ.

Nửa đêm bão nổi lên ầm ầm cành cây kêu răng rắc. Có tiếng đập cửa thình thình :

– Bạn Thỏ Trắng ơi ! Cho tôi vào trú nhờ với, nhà của tôi đổ mất rồi !

Gấu Đen vội choàng dậy, chạy ra mở cửa. Thỏ Nâu vừa khóc vừa kể với bác Gấu Đen và Thỏ Trắng.

– Hu, hu, hu,nhà bị đổ mất rồi. Làm thế nào bây giờ ! Gấu Đen kéo Thỏ Nâu đến bên đống lửa an ủi Thỏ Nâu:

– Cháu sưởi cho ấm người đi ! Nhà bị đổ à ? Lo gì. Sáng mai bác sẽ làm lại nhà cho cháu. Thỏ Trắng cũng nói :

– Bạn đừng lo. Sáng mai tôi cũng sẽ giúp bạn làm lại nhà !

– Thỏ Nâu sưởi một lúc, nước mưa trên người đã khô. Lúc này Thỏ Nâu mới ân hận là đã đuổi bác Gấu Đen. Thỏ Nâu ngập ngừng định xin lỗi bác Gấu.

– Thỏ Nâu đừng buồn bác không giận cháu đâu. Thôi bác cháu ta đi ngủ kẻo khuya quá rồi !

Đêm hôm ấy, Thỏ Nâu và Thỏ Trắng ôm bác Gấu Đen ngủ ngon lành.

 

 

ĐÔI BẠN TỐT

 

Thím Vịt bận đi chợ xa đem con đến gởi bác gà mái mẹ. Gà mái mẹ gọi con ra chơi với Vịt con.

Gà con xin phép mẹ dẫn Vịt con ra vườn chơi và tìm giun để ăn. gà con nhanh nhẹn đi trước. Vịt con lạch bạch theo sau.

Thấy Vịt con chậm chạp, Gà con tỏ ra không thích lắm. Ra tới vườn, Gà con lấy hai chân bới đất tìm giun. Ngón chân của Vịt có màng không bới đất được. Vịt con cứ lạch bạch khiến đất bị nén xuống. Gà con không tài nào tìm giun được. Gà con tức quá nói với Vịt con :

-Bạn chẳng biết bới gì cả, bạn đi chỗ khác chơi để tôi bới một mình vậy.

Vịt con thấy Gà con cáo với mình cũng buồn, liền bỏ ra ao tìm tép ăn. Một con Cáo mắt xanh, đuôi dài nấp trong bụi rậm, thấy Gà con đi tìm mồi một mình định nhảy ra vồ. Gà con sợ quá vội ba chân bốn cẳng chạy ra bờ ao. Gà con vừa chạy vừa kêu : “Chiếp, chiếp, chiếp !”.

Vịt con đang lặn ngụp tìm tép, nghe tiếng bạn gọi vội lướt nhanh vào bờ kịp cõng bạn ra xa. Cáo chạy tới bờ đã thấy Gà và Vịt đang ở gần ao sâu. Chờ mãi không được, Cáo liếm mép và bỏ đi. Nhờ Vịt có đôi chân như mái chèo bơi rất nhanh mà Gà con thoát chết… Lúc này Gà con mới thấy việc mình đuổi Vịt con là không tốt, và xin lỗi bạn. Vịt con không giận mà còn mò tép cho gà con ăn.

Từ đấy mỗi khi Vịt con đến chơi. Gà con mừng tíu tít đi tìm giun cho Vịt con ăn. Gà con nhanh nhẹn đi trước, Vịt con lạch bạch theo sau. Hai bạn gà và Vịt rất quý mến nhau

 

CÓC KIỆN TRỜI

 

Thuở xa xưa, Ngọc Hoàng cai quản tất cả các việc trên trời và dưới đất. Ngọc Hoàng giao cho thần mưa chịu trách nhiệm làm mưa cho tất cả các con vật và cây cỏ có nước uống.

Nhưng đã ba năm nay, không có một giọt mưa nào. Khắp nơi đất đai nứt nẻ, cây cỏ khát nước chết rụi, các con thú cũng chết dần chết mòn vì khát. Muôn loài đều kêu than ai oán. Vậy mà trời đâu có thấu.

Một hôm các con vật họp bàn nhau lại. Chúng quyết định cử Cóc lên gặp Ngọc Hoàng. Cùng đi với Cóc có Cáo, Gấu và Cọp.

Bốn con vật đi mãi, cuối cùng cũng lên đến cổng nhà trời. Ở cửa có đặt một cái trống rất to. Theo tục lệ nếu ai có điều gì oan ức thì đánh trống lên. Ngọc Hoàng sẽ ra giải quyết. Cóc bảo Cáo, Gấu, Cọp nấp vào bụi rậm, còn Cóc thì nhảy lên đánh trống inh ỏi.

Ngọc Hoàng nghe tiếng trống liền sai một thiên thần ra nhìn xem ai. Chỉ thấy con Cóc bé nhỏ ngồi trên trống. Khi biết Cóc có ý định gặp Ngọc Hoàngđể kêu oan, thiên thần tỏ ý khinh bỉ Cóc, lẳng lặng đi vào và thưa với Ngọc Hoàng :

-Thưa Ngọc Hoàng, kẻ dám cả gan đánh trống ầm ĩ nhà trời là một con Cóc bé tí, xấu xí, thần hỏi nó đi đâu, nó nói lên gặp Ngọc Hoàng để kiện.

Ngọc Hoàng nghe thiên thần nói như vậy thì giận lắm, bèn sai bầy Gà ra mổ Cóc. Bầy Gà vừa ló khỏi cửa, Cóc ra hiệu cho Cáo từ bộ rậm xong ra vồ Gà.

Biết Gà bị Cáo vồ mất, Ngọc Hoàng liền sai Chó ra giết Cáo. Chó chạy ra chỉ kịp sủa lên mấy tiếng đã bị Gấu ra chộp lấy tha đi. Ngọc Hoàng lại sai một toán lính ra trị Gấu. Lần này, Cọp xong ra quật chết toán lính không còn sót người nào.

Ngọc Hoàng không ngờ tuy Cóc bé nhỏ mà lại khó trị như vậy. Ngọc Hoàng đổi giận làm lành sai thiên thần ra mời Cóc vào. Ngọc Hoàng hỏi Cóc : “Cậu” lên đây có việc gì ? Cóc thưa :

-Muôn tâu Ngọc Hoàng, đã 3 năm nay chúng tôi không được một giọt mưa nào. Loài vật cử tôi lên đây để kiện trời, vì sao không làm mưa ? Ngọc Hoàng cho gọi thần mưa đến. Té ra là thần Mưa mãi rong chơi tối về đắp chiếu nằm ngủ, quên không làm mưa bị Ngọc Hoàng trách mắng, thần Mưa vội sai các con rồng phun nước ào ào xuống đất. Ngọc Hoàng đưa tiễn Cóc ra về và dặn :

-Từ nay về sau, nếu cần mưa thì Cóc nghiến răng ken két báo cho Ngọc Hoàng biết. Ta sẽ sai thần làm mưa ngay. Cóc không phải lên kiện trời nữa.

Cóc, Cáo, Gấu, Cọp từ biệt Ngọc Hoàng trở về dưới đất. Khi bốn con vật đến nơi thì nước đã tràn đầy hồ, ao, sông, suối, cây cỏ, muôn loài uống nước thoả thê. Tất cả đều phục Cóc bé Tí mà kiện được trời nên đặt ra câu hát :

“Con Cóc là cậu ông trời

Hễ ai đánh Cóc là trời đánh cho”

 

 

BA CÔ TIÊN

 

Ngày xưa, có một cậu bé đã lên sáu tuổi rồi mà vẫn bé tí ti, bé chỉ bằng ngón tay cái mọi người thôi, cho nên ai cũng gọi là cậu bé Tí Hon.

Nhà bé Tí Hon nghèo lắm. Bố mẹ phải đi chăn trâu thuê cho địa chủ, phải làm vất vả mà vẫn không có cơm ăn cho đủ no, áo mặc cho đủ ấm. Tí Hon rất thương bố mẹ, chỉ muốn đi làm đỡ bố mẹ thôi. Một hôm, Tí Hon nói với bố mẹ để Tí Hon chăn trâu thay bố mẹ. Lúc đầu, bố mẹ thấy Tí Hon bé, còn đàn trâu thì to nên thương Tí Hon, không cho đi. Nhưng Tí Hon nằn nì mãi cuối cùng bố mẹ phải cho đi.

 

Tí Hon chăn trâu cẩn thận lắm, không để trâu ăn lúa, ăn ngô, mà con nào con đấy cũng no căng cả bụng. Cả làng ai cũng khen. Bọn địa chủ cũng không chê Tí Hon câu nào cả.

Một hôm đồng làng hết cỏ, Tí Hon phải đưa trâu lên núi. Bỗng nhiên Tí Hon thấy một bông hoa hồng to bằng cái nón nở trên cành cây. Đợi cho trâu đến gần cây ấy, Tí Hon chui ở tai trâu ra, khẽ chuyển sang cây và leo vào giữa bông hoa. Tí Hon thấy, ồ thích quá, ba cô Tiên cũng bé tẹo như Tí Hon, một cô áo xanh, một cô áo đỏ, một cô áo vàng. Các cô thấy Tí Hon thì vui mừng chào hỏi rồi đi lấy bánh kẹo cho Tí Hon ăn. Tí Hon không ăn mà lại bỏ bánh kẹo vào túi. Thấy vậy, ba cô tiên hỏi :

-Sao Tí Hon không ăn ?

-Tôi đem về cho bố mẹ tôi ăn, bố mẹ tôi nghèo lắm. Tôi thương bố mẹ tôi lắm.

Ba cô Tiên cùng nói :

-Tí Hon cứ ăn đi, ăn xong chúng tôi sẽ giúp. Lát sau, ba cô Tiên cùng Tí Hon bước ra khỏi nhà hoa hồng, dắt nhau leo lên ngồi cả trên sừng trâu đi về làng.

Về đến nơi, thấy nhà Tí Hon nghèo lắm, vườn ruộng không có, gian nhà đổ nát, ba cô Tiên bảo Tí Hon đi tìm bố mẹ về.

Vẽ một đám ruộng to có lúa chín vàng, cô Tiên áo xanh vẽ rất nhiều quần áo đẹp. Vừa vẽ xong thì tất cả hoá thành nhà thật.

Vừa lúc ấy Tí Hon và bố mẹ về đến nơi.

-Ồ, nhà đẹp thế ? Ruộng của ai tốt thế ? Áo quần ai nhiều thế ?

Ba cô Tiên ở trong nhà bước ra chào bố mẹ Tí Hon và nói :

-Chúng cháu làm giúp hai bác và Tí Hon đấy. Từ nay hai bác không nghèo nữa. Có ruộng cày, có nhà ở, có quần áo mặc. Rồi cô Tiên áo xanh lại cho Tí Hon một chiếc áo, mặc áo vào là lớn bỗng lên.

 

Bố mẹ Tí Hon mừng quá, quay lại định cám ơn thì ba cô Tiên đã biến thành ba con bồ câu trắng bay vù lên mây. Từ đấy, không ai trông thấy ba cô Tiên đâu nữa. Còn Tí Hon lúc này rất to lớn, khoẻ mạnh làm việc rất chăm chỉ, khéo léo chẳng kém gì ba cô Tiên hoa hồng.

 

CÔ BÉ QUÀNG KHĂN ĐỎ

 

Ngày xưa, có một cô bé thường hay quàng khăn đỏ, vì vậy mọi người gọi cô là cô bé quàng khăn đỏ.

Một hôm mẹ cô bảo cô mang bánh sang biếu bà ngoại. Trước khi đi mẹ cô dặn :

 

-Con đi thì đi đường thẳng, đừng đi đường vòng qua rừng mà sói ăn thịt con đấy.

Nhưng cô bé quàng khăn đỏ không chịu vâng lời mẹ. Cô đi đường vòng qua rừng, vì đường này có nhiều hoa, nhiều bướm, cô thích hơn. Cô đi được một quãng thì gặp Sóc, Sóc nhắc :

-Cô bé quàng khăn đỏ ơi ! Lúc nãy tôi nghe mẹ cô dặn : “Đi đường thẳng, đừng đi đường vòng qua rừng” cơ mà. Sao cô lại đi đường này ?

Cô bé không trả lời Sóc. Cô cứ đi theo đường vòng qua rừng. Vừa đi cô vừa hái hoa, bắt bướm. Vào đến cửa rừng thì cô gặp chó Sói. Con chó sói rất to, đên đứng trước mặt cô. Nó cất giọng ồm ồm hỏi :

– Này, cô bé đi đâu đấy ?

Nghe chó sói hỏi, cô bé quàng khăn đỏ sợ lắm nhưng cũng đành bạo dạng trả lời :

– Tôi đi sang nhà bà ngoại tôi.

Nghe cô bé nói đi sang nhà bà ngoại, chó sói nghĩ bụng nó lại có bà ngoại nữa, thế thì mình phải ăn thịt cả hai bà cháu. Nghĩ vậy nên chó sói lại hỏi :

– Nhà bà ngoại cô ở đâu ?

– Ở bên kia khu rừng. Cái nhà có ống khói ấy, cứ đẩy cửa là vào được ngay.

Nghe xong, chó sói bỏ cô bé quàng khăn đỏ ở đấy rồi chạy một mạch đến nhà bà ngoại cô bé. Nó đẩy cửa vào vồ lấy bà cụ rồi nuốt chửng ngay vào bụng. Xong xuôi nó lên giường nằm đắp chân giả làm bà ngoại ốm.

Lúc cô bé quàng khăn đỏ đến, cô thấy chó sói đắp chăn nằm trên giường, cô tưởng “Bà ngoại” bị ốm thật, cô hỏi :

– Bà ơi ! Bà ốm đã lâu chưa ?

Sói không đáp giả vờ rên hừ… hừ…

– Bà ơi, mẹ cháu bảo cháu mang bánh sang biếu bà.

– Thế à, thế thì “bà” cảm ơn cháu và mẹ cháu. Cháu ngoan quá, cháu lại đây với “bà”

Cô bé quàng khăn đỏ chạy đến cạnh giường, nhưng cô ngạc nhiên lùi lại hỏi :

– Bà ơi ! sao hôm nay tai bà dài thế ?

– Tai bà dài để bà nghe cho rõ. Sói đáp.

– Thế còn mắt bà, sao hôm nay to thế ?

– Mắt bà to để bà nhìn cháu cho rõ.

Chưa tin cô bé quàng khăn đỏ lại hỏi :

– Thế còn mồm bà, sao hôm nay mồm bà cũng to thế ?

– Mồm bà to để bà ăn thịt cháu đấy.

Nói xong, Sói nhỏm dậy định vồ lấy cô bé. May sao lúc đó có bác hàng xóm chạy sang thấy thế, sẵn cái búa trong tay, bác liền phan ngay vào đầu sói một cái. Con Sói gian ác vỡ sọ chết ngay. Bác hàng xóm vừa lấy dao mổ bụng chó sói và kịp thời cứu được bà. Thế là cả hai bà cháu đều không việc gì.

Từ dạo ấy cô bé quàng khăn đỏ không bao giờ làm sai lời mẹ dặn.

 

 

CHÚ ĐỖ CON

 

Một chú Đỗ con ngủ khì trong cái chum khô ráo và tối om suốt một năm. Một hôm tỉnh dậy chú thấy mình nằm giữa những hạt đất li ti xôm xốp. Chợt có tiếng lộp độp bên ngoài.

-Ai đó ?

-Cô đây.

Thì ra cô Mưa Xuân, đem nước đến cho Đỗ con được tắm mát, chú lại ngủ khì. Có tiếng sáo vi vu trên mặt đất làm chú tỉnh giấc. Chú khẽ cựa mình hỏi :

– Ai đó ?

Tiếng thì thầm trả lời chú : “Chị đây mà, chị là Gió Xuân đây. Dậy đi em, mùa xuân đẹp lắm”. Đỗ con lại cựa mình. Chú thấy mình lớn phổng lên làm nức cả chiếc áo ngoài.

Chị Gió Xuân bay đi. Có những tia nắng ấm ấp khẽ lay chú Đỗ con. Đỗ con hỏi :

– Ai đó ?

Một giọng nói ồm ồm, âm ấm vang lên :

– Bác đây ! Bác là Mặt trời đây, cháu dậy đi thôi, sáng lắm rồi. Các cậu học trò cắp sách tới trường rồi đấy.

Đỗ con rụt rè nói :

– Nhưng mà trên đấy lạnh lắm.

Bác Mặt trời khuyên :

– Cháu cứ vùng dậy đi nào. Bác sẽ sưởi ấm cho cháu, cựa mạnh vào.

Đỗ con vươn vai một cái thật mạnh. Chú trồi lên khỏi mặt đất. Mặt đất sáng bừng ánh nắng xuân. Đỗ con xoè hai cánh tay nhỏ xíu hướng về phía mặt trời ấm áp.

 

GÀ CÁNH TIÊN

 

Trời đã sáng, bác Gà Trống đã đánh thức cả xóm gà :

“Hãy dậy đi thôi, hãy dậy đi thôi”. Chim rời tổ vừa bay vừa hót chào ông Mặt Trời. Gà mẹ “Cục cục” gọi các con đi kiếm mồi. Các chú Gà con líu ríu chạy ra khỏi chuồng đi theo mẹ. Gà Út lại gần mẹ thỏ thẻ :

“Mẹ ơi, Chị Cánh Tiên vẫn chưa dậy đâu mẹ ạ”. Mẹ dẫn Út về rủ Cánh Tiên. Út gọi chị rõ to, nhưng Cánh Tiên vẫn nằm gan không nhúc nhích, ông Mặt Trời đỏ chói đã lên khỏi ngọn cây, nhìn vào chỗ Cánh Tiên nằm. Ôi chao Chói mắt qúa, Cánh Tiên vươn vai bò dậy. Bên ngoài, Trâu,Thỏ, Chó, Lợn cũng dậy từ bao giờ. Ngựa chạy trên đồng cỏ xanh, Cánh Tiên lững thững đi ra vườn. Chim trông thấy bay đến hỏi :

– Chị Cánh Tiên ơi, chị đi bắt sâu đấy à ? Cánh Tiên xoè bộ lông cánh vênh mỏ trả lời :

– Mình còn phải rỉa cánh cho đẹp chứ. Chẳng cần phải kiếm sâu, mẹ về sẽ có sâu.

Chim nghe nói bay đi ngay, không chơi với Cánh Tiên nữa. Cánh Tiên chơi một mình buồn quá,bụng đói. Cánh Tiên mếu máo : “Mẹ ơi ! hu, hu, hu”. Mẹ ở đằng xa vội tha mồi về cho Cánh Tiên. Sáng nay mẹ ốm không dậy được. Mẹ dục Cánh Tiên đi theo chị em Gà để kiếm ăn. Cánh Tiên đứng ì ra không chịu đi. Đứng chán, Cánh Tiên lại ra vườn, ngắm vườn hoa, xuống rìa ao soi bóng, chờ mẹ mang mồi về như mọi hôm. Chờ mãi không thấy gì, đói bụng, Cánh Tiên đành đi kiếm ăn vậy. Đất rắn như đá lại có bao nhiêu gai và mảnh sành. Cánh Tiên vừa bới được vài cái đã vội rụt chân lại “hu, hu, gai đâm đau quá mẹ ơi”. Rắn nằm trong hang nghe tiếng Cánh Tiên liền bò ra dỗ ngon dỗ ngọt : Cánh Tiên ơi về nhà chị, chị cho ăn ngon mà chẳng cần làm gì cả”. Cánh Tiên thích quá đi theo Rắn về hang. Về đến hang Cánh Tiên hỏi Rắn : “Chị Rắn ơi, mồi của Cánh Tiên đâu ?” Rắn cười, lưỡi thè dài : “Mồi ấy à ? Mồi chính là cô mình đấy, ta cũng đang đói đây”. Cánh Tiên sợ quá đâm nhào ra ngoài, Rắn đuổi theo chỉ còn cách tẹo nữa là chộp được Cánh Tiên. Chim trông thấy liền bay về gọi các bạn đi cứu Cánh Tiên. Rắn trông thấy có Lợn, Ngựa, Trâu đến vội cút về hang. Cánh Tiên thoát nạn, về đến nhà rồi mà vẫn chưa hết sợ. Cánh Tiên sụt sịt nói với mẹ : “Từ giờ con sẽ vâng lời mẹ, con không lười nữa”.

 

GIỌT NƯỚC TÍ XÍU

 

Tí Xíu là một giọt nước. Quê ở biển cả, họ hàng anh em nhà chúng đông lắm và ở khắp mọi nơi, ở biển cả, ở sông ngòi, ao hồ, ở trên trời, ở cả dưới đất…

Một buổi sáng biển lặng, Tí Xíu cùng các bạn đuổi theo các lớp sóng nhấp nhô. Ông Mặt Trời thả ánh sáng rực rỡ xuống mặt biển. Bọn Tí Xíu reo vui trong sóng nhẹ và trong ánh nắng chan hoà. Chợt có tiếng ông Mặt Trời cất lên.

-Tí Xíu ơi ! Cháu có đi với ông không ? Tí Xíu ngẩng nhìn. Chú đáp giọng rất khẽ, chỉ có ông Mặt Trời là nghe thấy.

– Đi làm gì ạ ?

Ông Mặt Trời cười bảo : “Trên mặt đất thiếu gì việc, chỗ nào chẳng cần”. Tí Xíu vui lắm. Nhưng sực nhớ mình là giọt nước không thể bay theo ông Mặt Trời được. Chú hỏi :

-Cháu nặng lắm làm sao bay lên được.

– Không lo, ông Mặt Trời nói ồm ồm, ông sẽ làm cho cháu biến thành hơi. Nói xong ông Mặt Trời vén mây, chiếu thật nhiều ánh sáng xuống biển, Tí Xíu rùng mình và biến thành hơi. Chú chỉ kịp nói với biển cả :

– Chào mẹ, con đi ! Mẹ chờ con trở về.

Tí Xíu từ từ bay lên…

Tí Xíu nhập bọn với các bạn. Lúc đầu chúng bay là là xuống biển rồi chúng hợp thành một đám mây mỏng rời mặt biển bay vào đất liền. Gió nhẹ nhàng đưa Tí Xíu lướt qua những dòng sông lấp lánh như bạc. Xế chiều, ông Mặt Trời toả những tia nắng chói chang hơn lúc sáng. Không khí oi bức… Bỗng từ đâu một cơn gió lạnh thổi tới. Tí Xíu reo lên :

– Mát quá các bạn ơi ! Mát quá

Tí Xíu và các bạn nhảy nhót, múa lượn vui thích. Nhưng rồi trời mỗi lúc một lạnh. Tí Xíu thấy rét. Các bạn chú cũng thấy rét. Chúng xích lại gần nhau thành một đông đặc toàn những chú bé giọt nước nhỏ li ti. Bọn Tí Xíu không bay cao lên được nữa, chúng xà xuống thấp, thấp dần.

Một tia sáng vạch ngang bầu trời. Rồi một tiếng sét đinh tai vang lên. Gió thổi mạnh hơn. Bọn Tí Xíu níu lấy nhau thành những giọt nước trong vắt. Chúng thi nhau ào ào tuồn xuống đất… Cơn giông bắt đầu.

 

CHIM GÁY

 

Có một đôi chim Gáy sống trong rừng. Chúng ăn ở rất hiền lành. Đôi chim rất xinh xắn. Mỗi con có một bộ lông mầu nâu và những hạt cườm lấp lánh ở cổ. Đầu chúng tròn và mượt, mắt nâu, cái mỏ thì nhỏ nhắn và đen láy.

Đôi chim Gáy chọn một lùm cây rậm rạp tha những ngọn cỏ, lá thông, cành khô về làm một chiếc tổ nhỏ. Ổ lởm chởm và khô nhưng đôi chim rất vừa lòng. Chim mái đẻ vào tổ 2 cái trứng xinh xinh. Rồi đôi chim thay nhau ấp. Mươi năm bữa sau, chúng nở.

Bọn chim non rất khoẻ và lớn như thổi. Suốt ngày chúng há rộng cái mỏ còn mềm đòi ăn. Cứ thấy động là chúng lại vỗ đôi cánh cụt lủn, vươn cổ lên kêu chim chíp… Một buổi, chim bố và chim mẹ đi kiếm mồi, một con Diều Hâu nhìn thấy lũ chim nhỏ, nó sà xuống đỗ ngay bên cái tổ của lũ chim Gáy. Lũ chim non sợ quá, gục đầu vào lưng nhau và rung bần bật.

Từ lúc thấy đôi cánh Diều Hâu trùm xuống rừng, vợ chồng chim Gáy đã bỏ mồi quay lại.

Về mau, về mau, chim bố giục.

Chúng cùng vun vút bay về như hai mũi tên. Diều Hâu đang bám vào thân cây cho chắc, sắp sửa quắp đôi chim non bay đi.

Giữa lúc đó, chim bố và chim mẹ về đến tổ. Chim mẹ và chim bố cùng xoè cánh, bay chập chờn trước mặt kẻ thù. Trông thấy chúng vật vờ như đôi chim ốm, Diều Hâu chỉ cần giơ vuốt ra là quắp được. Diều Hâu dang cánh bay lên. Đôi chim Gáy trở nên nhanh nhẹn. Chim mẹ vội lao xuống, bay quặt về tổ trong lúc chim bố bay đi, lấy thân mình làm mồi cho kẻ thù bay theo. Cuộc săn đuổi rất ác liệt.

Nhiều lúc chim bố tưởng nguy. Nhưng chiếc vuốt nhọn của Diều Hâu đã mấy lần quờ trên lưng nó làm những sợi lông màu nâu rơi xuống lã tã. Nhưng cuối cùng chim bố vẫn nhử được kẻ thù bay đi rất xa, rất xa. Đến lúc đã làm cho kẻ thù lạc đường và mỏi cánh, nó mới bổ xuống một bụi rậm, quay ngoắt về.

Về đến tổ, chim bố đã thấy lũ con được mớm ăn no. Chúng đang bình yên nằm nghếch đầu lên lưng nhau mà ngủ dưới chân mẹ. Thấy chim bố về, chim mẹ vui mừng chớp chớp đôi mắt nâu mở rất to.

«Cúc cu; Cúc cu» Nhìn đàng con nguyên vẹn, chim bố cất tiếng gáy dồn vui vẻ.

 

CÂU CHUYỆN TRONG RỪNG

 

Ở một khu rừng nọ, có một chú Sóc rất thích đi du lịch. Hàng năm, cứ vào mùa thu. Sóc tạm thời bỏ ngôi nhà của mình để đi thăm những danh lam thắng cảnh mà Sóc yêu thích.

Vốn tính cẩn thận của họ nhà Sóc nên trước khi đi xa. Sóc phải chuẩn bị được một kho quả thông dự trữ để khi về nhà đói có cái ăn ngay. Nhưng vì tính hay quên và những kì thú của chuyến du lịch cuối thu quá hấp dẫn, say mê nên khi trở về Sóc tìm mãi không thấy ngôi nhà của mình. Ôi thôi, Kho qua thông cũng đã biến mất rồi. Sóc vừa lo vừa sợ đói nên đứng khóc hu hu. Cả khu rừng vắng lặng.

Nghe xa xa có tiếng khóc của Sóc, các bạn Gấu, Hươu Sao, Thỏ Trắng, Lợn rừng tất tươi chạy đến. Rồi cả nhà Sẻ, Quạ Đen, Cú Mèo cũng từ bốn phiá ùa đến. Sóc thấy xóm giềng đến thăm hỏi, trong lòng thấy yên tâm hơn và kể hết sự tình cho các bạn cùng nghe. Nghe xong cả bầy thú rừng cùng đồng thanh: «Chúng tôi sẽ giúp bạn đi tìm kho quả thông». Trong khi các bạn đang mải miết tìm kho quả thông, bỗng từ xa có tiếng reo của Cú Mèo: «Các bạn ơi! Kho quả thông đây rồi». Tiếng reo của

Cú Mèo đã vang lên cả góc rừng. Sóc và bầy thú nghe thấy liền chạy nhanh về phía Cú Mèo. Các bạn reo hò mừng vui cùng Sóc. Sóc ngậm ngùi thầm cảm ơn Cú Mèo và các bạn láng giềng đã giúp đỡ mình.

Sau đó Sóc mời các bạn đến nhà mình cùng nhảy múa và ca hát.

 

CÁI ÁO CỦA THỎ CON

 

Trong khu rừng nọ có một chú Thỏ mắt hồng trong rất xinh. Thỏ mẹ may cho Thỏ con một cái áo bông trắng giống như áo của tất cả các chú Thỏ khác. Thỏ con không thích cái áo bông trắng, Thỏ con đòi mẹ phải may cho mình thật nhiều áo sặc sỡ khác.

Thỏ mẹ nghĩ mãi, nghĩ mãi, cuối cùng đành may cho Thỏ con một cái áo vàng, có viền mầu nâu giống như áo của Hổ. Thỏ con sung sướng mặc áo mới vào rồi xin phép mẹ ra đường chơi. Vừa lúc đó có mấy chú mèo con tung tăng chạy tới, Thỏ con liền gọi:

– Các bạn ơi, cho tôi cùng chơi với nào!

Mèo con hỏi:

– Thế tên bạn là gì?

Thỏ con trả lời:

– Tên tôi là Thỏ con.

Mấy chú Mèo con ngạc nhiên nhìn Thỏ con rồi nói:

– Thỏ gì mà mặc áo giống Hổ thế kia? Thôi đúng là Hổ rồi!

Thế là mấy chú Mèo hoảng sợ nấp vào sau bụi rậm. Thỏ con còn trơ lại một mình, chẳng biết chơi đùa ai cả. Thỏ con lủi thủi đi về nhà và nói với mẹ:

– Mẹ ơi, con không thích mặc áo giống Hổ đâu. Mẹ may cho con một cái áo khác cơ.

Thỏ mẹ lại nghỉ và cuối cùng đành may cho Thỏ con một cái áo màu đỏ chót giống như áo của Cáo. Thỏ con thích quá, mặc luôn áo mới rồi chạy ra đường chơi. Lúc ấy có hai chú Bê con đang đùa húc nhau bằng những cái sừng mới nhú, Thỏ con lại gần và nói :

– Các bạn ơi, cho tôi cùng chơi với nào !

Hai chú Bê con hỏi :

– Thế tên bạn là gì?

Thỏ con trả lời:

– Tôi là Thỏ con.

Bê con nói:

– Sao Thỏ lại mặc giống con Cáo thế kia? Thôi đúng là Cáo rồi!

Hai chú Bê dương sừng lên quát to:

– Không ai thèm chơi với Cáo. Đồ gian ác, hãy cút đi!

Thỏ con sợ hãi chạy về nhà. Thỏ con vừa khóc thút thít, vừa mách mẹ:

– Mẹ ơi, con không thích mặc áo đỏ giống con Cáo đâu. Mẹ may cho con một cái áo khác cơ.

Thỏ mẹ lại nghĩ, nghĩ mãi, cuối cùng Thỏ mẹ đành bảo con:

– Thôi con cứ mặc áo bông trắng của con vậy! Thỏ con phụng phịu mặc áo trắng rồi ra đường chơi. Ngoài đường có rất nhiều con vật đang chơi đùa vui vẻ. Thỏ con rụt rè nói:

– Các bạn ơi cho tôi cùng chơi với nào!

Các con vật xúm lại hỏi:

– Thế tên bạn là gì?

Thỏ con trả lời:

-Tôi tên là Thỏ con.

– Ôi, tên bạn hay quá. Cái áo trắng của bạn vừa đẹp, vừa sạch. Bạn lại đây chơi với chúng tôi đi!

Thế là Thỏ con, Mèo convà cả Bê con nữa cùng chơi với nhau rất vui vẻ.

Từ đấy trở đi Thỏ con rất thích cái áo bông trắng của mình và không đòi mẹ may cho áo khác nữa.

Các cháu thử đón xem vì sao Thỏ con lại thích mặc áo bông trắng?

 

NHỔ CỦ CẢI

 

Ngày xửa, ngày xưa có hai ông bà già và một cô cháu gái sống trong ngôi nhà bằng gỗ bên cạnh manh vườn xinh xắn. Trong nhà còn có một con Chó, một con Mèo và một chú Chuột nhắt.

Vào mùa thu, ông già mang về một cây củ cải nhỏ và trồng trong vườn. Ngày ngày, ông ra sức chăm chút cho cây. Sáng nào ông cũng cho cây cải uống một gáo nước. Chiều nào ông cũng bắt sâu, nhổ cỏ cho cây. Cây cải cũng không phụ lòng tốt của ông, nó lớn nhanh như thổi. Chẳng bao lâu nó trở thành một cây cải khổng lồ, to chưa từng thấy.

Một buổi sáng, ông già ra vườn định nhổ củ cải về cho bà già và cháu gái. Ông nhổ mãi, nhổ mãi mà cây cải không hề nhúc nhích. Ông gọi bà già: «Bà già ơi! Mau lại đây! Mau giúp tôi nhổ củ cải!» Cháu gái liền chạy lại kéo áo bà, bà túm áo ông, ông nắm cây cải nhổ mãi, nhổ mãi vẫn không được. Bà già gọi cháu gái: «Cháu gái ơi! Mau lại đây! Mau giúp bà nhổ củ cải!» Cháu gái liền chạy lại kéo áo bà, bà túm áo ông, ông nắm cây cải nhổ mãi, nhổ mãi chẳng ăn thua gì. Cháu gái gọi Chó con: «Chó con ơi! Mau lại đây! Mau giúp tôi nhổ củ cải!». Chó con chạy lại ngậm lấy bím tóc của cháu gái. Cháu kéo áo bà ba, bà túm áo ông, ông nắm cây cải. Kéo mãi nhổ mãi cây cải vẫn nằm ì ra. Mèo con gọi Chuột nhắt: «Chuột nhắt ơi! Mau lại đây!Mau giúp tôi nhổ củ cải!» Chuột nhắt chạy lại, bám đuôi Mèo, Mèo cắn đuôi Chó, Chó ngậm biếm tóc cháu gái, cháu gái kéo áo bà, bà túm áo ông, ông nắm cây cải. Một, hai, ba… Cây cải gan lì đã bị kéo lên khỏi mặt đất.

Tất cả sung sướng, nhảy múa quanh vây cải:

«Nhổ cải lên! Nhổ cải lên!

Ái chà chà! Lên được rồi!»

 

CHÚ THỎ TINH KHÔN

 

Có một lần Thỏ đến bên bờ sông bứt ngọn cỏ non nhai ngốn ngấu. Cá Sấu ở gần đó, nằm im giả như không nhìn thấy. Thỏ yên trí ăn rau. Cá Sấu liền giả bộ hiền lành từ từ bò đến bên Thỏ, rồi đột nhiên đớp gọn Thỏ vào mồm.

Cá Sấu kêu lên : “Hu ! Hu” ở trong họng cốt làm cho Thỏ sợ. Thỏ đã nằm gọn trong hàm cá Sấu. Thỏ sợ quá nhưng vẫn bình tĩnh tìm kế thoát thân.

Thỏ nói : – Bác Cá Sấu ơi, bác kêu “hu ! hu” tôi chẳng sợ đâu. Bác mà kêu “Ha ! Ha !” thì tôi sẽ sợ chết khiếp đi mất.

Nghe Thỏ nói thế, Cá Sấu liền há to mồm kêu lên “Ha ! Ha !” Thỏ nhảy phốc khỏi miệng Cá Sấu rồi quay lại cười nhạo và chạy biến vào rừng.

 

GIỌNG HÓT CHIM SƠN CA

 

Ngày xửa, ngày xưa, ở một khu rừng nọ có rất nhiều loài chim. Mỗi loài có một giọng hát khác nhau. Duy chỉ có Sơn Ca có giọng hót hay hơn cả. Mỗi khi Sơn Ca hót, cỏ, cây, hoa lá rì rào hoà theo. Dòng suối đang chảy róc rách cũng như muốn dừng lại để thưởng thức giọng hót mê li ấy.

Một hôm chim Sẻ được các bạn cử đến gặp Sơn Ca. Chim Sẻ hỏi Sơn Ca :

– Bạn Sơn Ca ơi, có phải bác Mặt Trời cho bạn giọng hát mê li ấy không ?

– Không phải đâu. Bác Mặt Trời tốt bụng chỉ cho tôi những tia nắng vàng rực rỡ, ấm áp thôi.

– Thế có phải cô Mây Hồng đã cho bạn giọng hót hay không ?

– Cũng không phải đâu bạn Sẻ ạ. Cô Mây Hồng xinh đẹp chỉ cho tôi những tảng bông êm dịu thôi.

– Ôi Sơn Ca đáng yêu : Thế ai đã cho bạn giọng hót hay ?

Chim Sẻ và cả bầy chim không hiểu tại sao mà Sơn Ca có giọng hót tuyệt vời đến thế. Các bạn quyết định đến trường hỏi cô giáo Hoạ Mi. Nghe các học trò của mình hỏi, cô giáo Hoạ Mi cười rất vui. Cô nói :

– Cô và các cháu cùng nhau tìm hiểu điều đó. Sáng mai cô sẽ đợi các cháu, ta cùng đến nhà bạn Sơn Ca. Nhưng các cháu phải nhớ dậy sớm đấy.

Sáng hôm sau, khi đến nhà Sơn Ca, các bạn thấy Sơn Ca vừa chuyền cành vừa hót say sưa. Thỉnh thoảng Sơn Ca vừa nghiêng đầu lắng nghe tiếng cây cối xào xạc, tiếng suối chảy róc rách. Nghe rất kĩ, rất lâu những âm thanh ấy rồi Sơn Ca mới bắt chước theo. Các bạn chim lúc ấy mới chợt hiểu vì sao Sơn Ca có giọng hót hay đến thế. Cả đàng chim ríu rít cất tiếng hoà với giọng hót của Sơn Ca. Rừng cây rộn ràng tiếng hót của bầy chim non chào mừng ngày mới.

 

HOA MÀO GÀ

 

Ngày xưa chú gà nào cũng có một cái mào đỏ rất đẹp như mào các chú gà trống bây giờ. Một buổi sớm gà Mơ soi mình trong vũng nước và sung sướng thấy chiếc mào rực rỡ xoè trên đỉnh đầu như một chùm hoa đỏ rực. Gà Mơ khoan khoái đập cánh và hát bài hát quen thuộc của họ hàng nhà gà : “Cục ta cục tác, mào ta đã mọc, cục ta cục tác, mào ta đã mọc”.

Mọi vật quay ra nhìn Gà Mơ và cùng suýt xoa : “Chiếc mào mới xinh xắn làm sao; Trông Gà Mơ thật đáng yêu”. Gà Mơ đi tung tăng khắp nơi kiếm mồi. Nó đến bên bể nước và nghe thấy có tiếng khóc ti tỉ. Nó dừng lại nghiêng đầu, chớp chớp đôi mắt và lắng tai nghe. Thì ra có một cây mầu đỏ tía đang tấm tứt khóc một mình. Gà Mơ đang vui sướng, thấy bạn buồn, Mơ bỗng bối rối. Nó vội vàng chạy đến khẽ hỏi :

-Bạn sao thế ?

Cây rơi hạt nước mắt trong suốt như hạt sương xuống gốc và sụt sịt bảo :

-Các cây quanh đây, cây nào cũng có hoa mà chỉ có mỗi mình tôi không có hoa.

Chưa nói dứt câu, cây lại bật khóc, nước mắt cứ rơi xuống thánh thót. Gà Mơ an ủi bao nhiêu cũng không làm cây nín. Gà Mơ nghĩ một lúc rồi quyết định :

-Tôi cho bạn bông hoa đỏ trên đầu tôi nhé.

Cây sung sướng vẫy lá rối rít :

– Thế bạn cho tôi thật nhé ! Cám ơn bạn !

Sáng hôm sau, mọi người ngạc nhiên khi thấy chiếc áo mào đẹp đẽ của Gà Mơ biến đâu mất. Còn cái cây bên bể nước thì lại nở chùm hoa rực rỡ y hệt chiếc mào của Gà Mơ.

Cây hoa sung sướng đón ánh mặt trời nhuộm cho bông hoa thêm đỏ thắm. Cây khe khẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện về lòng tốt của Gà Mơ. Thế là mọi người gọi cây hoa đó là cây hoa mào gà.

Trên đầu Gà Mơ bây giờ cũng nhú lên một chiếc mào mới nho nhỏ, xinh xinh rồi đấy.

 

 

ĐÔI NGỖNG

 

Ngày xưa, có một người hết sức giàu có, muốn sống một cuộc đời ăn uống thỏa thích, nên ngày hai bữa mâm cơm bao giờ cũng đầy thừa những thức ăn ngon lạ.

Một hôm nhà giàu có khách, một người bạn cũng rất sành ăn uống. Luôn mấy hôm, trong nhà toàn nghe những tiếng dao thớt, nấu nướng.

Đãi khách ăn không còn thiếu một thức ngon nào, một hôm chủ nhà đi qua sân sau, trỏ cho bạn thấy một đôi ngỗng đẹp, bảo sẽ giết thịt để làm tiệc tiễn hành hôm nào khách về.

Thuở ấy loài ngỗng đang còn rất hiếm và thịt ngỗng là một thức ăn sang trọng, chỉ có nhà quyền quý mới nếm được mùi. Hai con ngỗng nghe hiểu tiếng người, lấy làm đau xót vô hạn, vì lời hẹn của chủ nhà là bản án tử hình đối với chúng. Đêm đến, đôi ngỗng kêu than, khóc lóc với nhau để vĩnh biệt trước, rồi khi gà bắt đầu gáy, con ngỗng trống hôn hít vợ xong tới đứng sẵn bên cửa chuồng, đợi người bếp đến bắt đem thịt. Con ngỗng mái đoán biết ý chồng, muốn ngăn cho chồng khỏi chịu chết trước thay mình, mới tranh lấy chỗ, rồi hai vợ chồng ngỗng, con nào cũng muốn hi sinh, giành lấy cái chết về mình để cứu bạn trăm năm. Cứ thế mà đôi lứa tranh giành nhau cho tới khi ngày sáng. Luôn mấy đêm liền cảnh đòi chết liên tiếp diễn ra ở trong chuồng ngỗng. Rốt cuộc để tránh khỏi sự tranh giành nhau nữa, cả hai cùng thỏa thuận ngủ ngang hàng, song song cạnh nhau. Hai con lại cùng thề nguyền rằng sau khi một trong đôi lứa chết đi thì con còn sống sẽ ăn chay suốt đời để nhớ kẻ đã mất.

Những tiếng thở than, tranh giành của đôi ngỗng vẳng đến tai của người khách. Mấy lần khách lại gần chuồng để nghe câu chuyện của hai vợ chồng ngỗng vì khách hiểu được tiếng nói của các loài chim. Những lời thề nguyền, trối trăn tha thiết của đôi ngỗng làm động lòng khách sành ăn.

Qua hôm sau, khách ngỏ lời từ giã chủ nhân và bảo rằng mình không thích ăn thịt ngỗng, bởi đã mấy lần nếm qua rồi mà thấy thịt loài này không ngon. Lời bịa đặt ấy đã cứu mạng cho đôi vợ chồng ngỗng. Song từ đó, chúng vẫn giữ lời thề trước, chỉ ăn toàn rau cỏ, ngũ cốc thôi, chứ khôn động tới thịt các sinh vật khác. Cũng từ ngày ấy loài ngỗng theo thói quen ngủ sát cạnh nhau.

 

CHÚ VOI TỐT BỤNG

 

Một buổi sáng mùa xuân, trăm hoa khoe sắc, gà con vui vẻ gọi vịt con ra vườn chơi.

Gà con rủ vịt con bắt sâu bọ, côn trùng có hại cho cây cối. Nhờ có mỏ nhọn nên gà con mổ bắt sâu dễ dàng. Nhưng vịt con không có mỏ nhọn nên không thể nào bắt sâu được. Thấy thế gà con vội vàng chạy tới giúp vịt.

Bỗng một chú voi xuất hiện, chú dùng vòi khều con sâu đưa cho vịt con. Vịt con và gà con cùng cảm ơn chú voi. Vịt và gà con lại rủ nhau ra ao chơi. Chân vịt con có màng nên vịt bơi lội rất giỏi, còn gà con vô ý nên bị ngã xuống ao, vì không biết bơi nên gà con bị ướt sũng nước, lạnh đến phát run.

May quá, chú voi lại đi tới. Chú cứu gà con lên, chú còn đùa nghịch dùng vòi phun đầy nước vào gà và vịt con. Gà và vịt cười vang bỏ chạy, còn lũ ruồi đậu trên lưng chú voi cũng phải hốt hoảng bay đi.

Sau đó voi dùng vòi thổi kèn acmônica. Chú thổi hay đến nỗi gà con và vịt con đang chơi vui cũng phải chạy đến, những chú chim trên cành cây cũng ngừng hót để lắng nghe những âm thanh tuyệt vời mà voi thổi.

Gà và vịt con rất yêu chú voi tốt bụng. Chúng thích vui đùa và nhảy vào nằm trong lòng chú voi. Chúng cảm thấy ấm áp và hết sức an toàn.

 

CON CÁ THÔNG MINH

 

Cá Quả mẹ và đàn con rất đông sống trong một cái hồ lớn. Hàng ngày Cá mẹ dẫn đàn con đi quanh hồ kiếm ăn.

Một ngày kia, thức ăn trong hồ tự nhiên khan hiếm. Cá mẹ dẫn đàn con sục tìm mọi ngóc ngách trong hồ mà vẫn không kiếm đủ thức ăn. Ðàn cá con bị đói gầy rộc đi và kêu khóc ầm ĩ. Cá Quả mẹ cũng phải nhịn ăn mấy ngày, nó nhìn đàn con đói mà đau đớn vì bất lực.

Một hôm, Cá Quả mẹ nhìn lên mặt nước và nảy ra một ý nghĩ liều lĩnh. Nó nhảy phóc lên bờ, nằm thẳng cẳng giả vờ chết. Một đàn Kiến từ đâu bò tới tưởng con cá chết tranh nhau leo lên mình nó thi nhau cắn. Cá Quả mẹ đau quá, nó nhắm chặt mắt định nhảy xuống nước, song nghĩ đến đàn con đói, nó lại ráng chịu đựng. Lát sau, hàng trăm con Kiến đã leo hết lên mình Cá mẹ. Cá Quả mẹ liền cong mình nhẩy tùm xuống hồ, chỗ đàn con đang đợi. Ðàn Kiến nổi lềnh bềnh, những chú Cá con thi nhau ăn một cách ngon lành. Cá Quả mẹ mình mẩy bị Kiến cắn đau nhừ nhưng nó vô cùng sung sướng nhìn đàn con được một bữa no nê.

 

BA NGƯỜI BẠN

 

Chim sẻ, Ếch và Cào Cào là ba người bạn thân. Một hôm cả ba đang nhảy nhót vui chơi thì gặp một cái ao to. Chim sẻ nói:

– Tôi không thể nhảy qua cái ao nào này được. Tôi phải bay qua nó và đợi các bạn ở bên kia ao nhé.

Ếch phàn nàn:

– Tôi không nhìn thấy lá cây sung nào trên mặt ao. Do đó tôi không thể nhảy qua ao được, tôi chỉ còn cách bơi qua ao thôi.

Cào Cào bình tĩnh nói với hai người bạn rằng:

– Tôi không thể nhảy hoặc bay qua ao được và cũng không biết bơi. Nhưng nếu cả ba chúng ta cùng hợp sức lại thì cả ba chúng ta đều sang được bờ bên kia.

Cả chim sẻ và ếch đều hỏi:

– Bằng cách nào hả bạn Cào Cào?

– Trước hết bạn chim sẻ bay lên cây mang về đây một chiếc lá to. Tôi ngồi trên chiếc lá to, còn bạn ếch bơi và đẩy chiếc lá đó qua ao.

Khi cả ba sang được đến bên kia bờ ao, chim sẻ hỏi:

– Này bạn Cào Cào, tôi có công mang chiếc lá về và bạn Ếch có công đẩy chiếc lá đó qua ao. Còn bạn có công gì?

Cào Cào vui vẻ trả lời:

– Tôi nghĩ ra kế hoạch qua ao và kế hoạch đó giúp đưa cả ba chúng ta sang được bờ bên này. Bạn có đồng ý như vậy không? Và bây giờ chúng ta lại cùng nhau vui chơi được rồi.

Chim sẻ, Ếch đều nhảy lên mừng rỡ tán thành. Thế là cả ba cùng nhau nhảy múa tiếp tục cuộc vui chơi của mình.

 

SƯ TỬ VÀ CHUỘT

 

Sư tử đang ngủ. Chuột chạy qua trên người sư tử làm nó chòang tỉnh và tóm được chuột. Chuột lên tiếng van xin sư tử tha mạng.

Chuột nói:

– Nếu ông thả cháu ra, cháu sẽ làm điều tốt cho ông.

Sư tử bật cười vì chuột nhắt hứa sẽ làm điều tốt cho nó, nhưng cũng thả chuột ra.

Về sau những người thợ săn tóm được sư tử và lấy dây trói sư tử vào thân cây.

Chuột nhắt nghe tiếng sư tử gầm, chạy đến cắn đứt dây thừng và nói:

– Ông có còn nhớ là khi đó ông cười, ông không nghĩ là chuột nhắt cháu lại có thể làm cho ông một điều tốt nào. Còn bây giờ ông thấy đó, có khi chuột nhắt cũng làm được việc lắm chứ.

 

THỎ CON THÔNG MINH

 

Trong khu rừng nọ có một chú Thỏ con thông minh sống cùng mẹ. Ngày ngày, Thỏ con thường tung tăng chạy ra bờ sông uống nước. Trước khi đi, bao giờ Thỏ mẹ cũng nhắc:

– Con phải cẩn thận nhé vì Cáo và Chó Sói cũng hay ra sông dạo chơi lắm đấy!

Thể rồi một ngày nọ, sau khi khom lưng uống một hơi no bụng, Thỏ con ngẩng lên nhìn thì đã thấy Cáo đang tiến lại gần mình với vẻ mặt rất thân thiện:

– Chào Thỏ con, lên lưng anh cõng vào rừng hái nấm và hoa nào!

Thỏ con chần chừ nhìn Cáo. Chợt nhớ lời mẹ dặn, Thỏ con hồ hởi, tươi cười nói:

– Em thích lắm nhưng anh Cáo ơi, chờ em về nhà lấy nón đội che nắng đã nhé!

Nói rồi Thỏ con nhanh nhẹn chạy ào về nhà. Sà vào lòng mẹ, Thỏ con kể lại câu chuyện gặp Cáo và cách nó dụ khị con Cáo gian ác để chạy về với mẹ. Thỏ mẹ ôm Thỏ con vào lòng, khen con thông minh và nhanh trí.

Ngoài bờ sông, con Cáo gian ác và ngờ nghệch cứ đứng chờ mãi, chờ mãi mà không thấy Thỏ con trở lại. Cuối cùng, khi ông mặt trời đã đi ngủ, nó không thể chờ được nữa nên đành ôm cái bụng đói meo lủi về rừng.

 

TÍNH LẦM

 

Ngày xửa ngày xưa có một anh Sói lười. Nhà cửa của anh, anh chẳng bao giờ quét dọn, sửa sang. Nó bẩn thỉu, rách nát, chỉ chực sụp xuống.

Một hôm, bác Voi đi qua, chẳng may đụng nhẹ vào làm đổ mái nhà anh Sói.

– Xin lỗi anh bạn! – Bác Voi nói với Sói – Tôi sẽ sửa ngay cho anh.

Bác Voi vốn là người giỏi giang, cái gì cũng biết và không sợ công việc. Bác liền lấy búa, đinh, sửa ngay mái nhà cho Sói. Mái nhà trở nên chắc chắn hơn trước…

“Ô hô ! – Anh Sói bụng bảo dạ – Rõ ràng là lão ta sợ mình! Thoạt đầu đã phải xin lỗi, sau đó còn sửa lại cả mái nhà. Mình phải bắt lão ta làm cho mình một cái nhà mới mới được! Lão sợ, ắt phải nghe theo!”

– Này, đứng lại! – Sói quát bảo Voi – Mày làm cái thói gì thế? Mày tưởng có thể bỏ đi một cách dễ dàng thế chắc? Làm đổ nhà người ta, đóng qua loa được mấy cái đinh rồi định chuồn à? Biết điều thì đi mà làm cho ta một cái nhà mới! Đồ súc sinh! Bằng không ta sẽ cho một bài học, đừng hòng mong thấy lại bà con thân thích! Nhanh lên!

Nghe Sói nói những lời ấy, bác Voi không nói gì cả. Bác lẳng lặng quắp ngang bụng Sói ném xuống hố nước bẩn. Rồi đè bẹp dí nhà Sói.

– Này, nhà mới này! – Bác Voi nói rồi đi thẳng.

Tỉnh dậy, Sói ngạc nhiên tự hỏi:

“Mình thật không hiểu gì cả! Lúc đầu lão có vẻ sợ mình đã xin lỗi tử tế, thế mà sau đó lại hành động thế này… Thật không sao hiểu nổi!”

– Chú mày ngu lắm! – Nhìn thấy hết mọi chuyện, bác Quạ già nói – Chú mày đã không hiểu sự khác nhau giữa người hèn nhát và người được giáo dục tốt!

 

CÁO VÀ MÈO

 

Trong khu rừng nọ có một con Cáo và một con Mèo sinh sống. Mèo vốn tính hiền lành còn Cáo luôn tự cao, tự đại cho mình là người thông minh tài giỏi hơn người.

Một sáng đẹp trời, Mèo con ra khỏi nhà đi dạo và gặp Cáo. Nghĩ Cáo là người biết điều từng, trải, ai ai cũng kính nể nên Mèo thân mật bắt chuyện:

– Xin chào anh Cáo. Anh vẫn khỏe chứ?

Nghe Mèo chào, Cáo không những không trả lời mà còn nhìn Mèo từ đầu tới chân bằng ánh mắt khinh khỉnh. Cuối cùng Cáo mới lên giọng hách dịch:

– Ồ, cái đồ ngốc kia! Mi không xứng đáng được hỏi thăm sức khỏe của ta. Thử hỏi xem, mi có được những tài nghệ gì nào?

Trước lời lẽ khinh miệt của Cáo, Mèo vẫn khiêm tốn đáp:

– Tôi chỉ có một tài duy nhất thôi anh Cáo ạ!

Cáo liền hỏi dồn:

– Tài gì? Tài gì nào?

Mèo thủng thẳng đáp:

– Đó là tài khi bị Chó đuổi tới bên, tôi có thể nhảy phắt lên cây khiến chúng không thể bắt tôi được!

Cáo cười vang, bỉu môi, vênh vênh cái mặt kiêu ngạo nói:

– Tưởng gì, chỉ có thế thôi à? Ta đây thông thạo trăm thuật khác nhau và còn có cả một túi đầy mưu trí. Mi làm ta thấy thương hại quá. Hãy theo ta, ta sẽ dạy mi cách thoát thân khỏi lũ chó!

Vừa lúc ấy, một người thợ săn cùng đàn chó đi tới. Mèo nhanh chân nhảy tót lên cây và rối rít kêu Cáo mở cái túi mưu trí của nó ra. Nhưng Cáo cứ loay hoay, loay hoay mãi chưa biết túi mưu trí để ở chổ nào. Thế là Cáo liền bị lũ chó săn túm chặt lấy.

Ngồi an toàn trên ngọn cây, Mèo nói vọng xuống:

– Này anh Cáo ơi, anh nói anh có trăm mưu trí mà bây giờ lại như gà mắc tóc thế. Giá mà anh chỉ có một cái tài leo cây như tôi thì đâu đến nổi mất mạng phải không?

Lúc này Cáo mới thấy ân hận nhưng còn biết kêu ai! Mặc cho Mèo nói gì thì nói, Cáo chỉ còn mỗi một việc là im lặng chờ ai đó tới giúp!

 

CHIẾC TĂM THẦN

 

Trong làng kia có ông nhà giàu. Một hôm ông mở rương lấy quần áo, thấy mất một nén vàng.

Ông có ba người giúp việc, nhưng chẳng biết nghi cho ai. Ông bèn đưa cả ba lên trình quan.

Quan hỏi, nhưng chẳng ai chịu nhận.

Quan liền nói:

– Ðây, ta có bốn chiếc tăm thần bằng nhau. Mỗi người hãy ngậm một chiếc trong miệng. Cái thư tư ta cất đi để mai so lại. Kẻ nào nói dối, cái tăm sẽ dài ra. Ta sẽ trị tội không tha.

Nói xong, quân đêm giam riêng mỗi người một nơi. Trong ba người ấy thì Tư là thủ phạm.

Hắn nghĩ thầm:

– Ta cắn bớt cho tăm ngắn đi một ít, dù nó có dài ra cũng không sợ.

Ðến gần sáng, Tư lại cắn bớt đi ít nữa, chỉ còn phân nửa trong miệng.

Sáng hôm sau, quan cho gọi cả ba người lên rồi đem cái tăm thứ tư ra để so. Ba cái kia bằng nhau, chỉ có tăm của tên Tư là ngắn thôi.

Biết không giấu được, Tư phải thú nhận. Quan sai đánh Tư một trăm roi và bắt trả lại nén vàng cho chủ.

 

CÂY CHÒ KIÊU NGẠO

 

Có một cây Chò cao lớn mọc chon von trên đỉnh núi. Cành lá xum xuê rợp bóng cả một vùng.

Sẽ vui vẻ biết bao nhiêu nếu chẳng có một ngày, cây Chò bỗng trở tính và đâm ra kiêu ngạo. Ðã nhiều lần, nó tỏ vẻ coi thường đám cây cỏ thấp lè tè dưới chân mình. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời lên, thấy bóng mình đổ dài bao phủ lên cả triền núi rộng lớn, nó lấy làm tự đắc.

Nhân bữa có gió lớn, cây Chò rung cành xào xạc:

– Hỡi dòng suối kia! Hãy chảy ngược đỉnh núi mang nước đến cho ta. Khí trời, hơi sương không đủ làm ta thỏa mãn. Mà tại sao ta lại phải dùng rễ dò tìm nước một cách vất vả trong lòng đất sỏi đá này?

Nhưng dòng suối vẫn cứ tiếp tục xuôi dòng. Cây Chò già đùng đùng nổi giận. Ðể tỏ rõ quyền uy, nó quyết định lấp suối, buộc nước phải dâng lên đỉnh núi. Những chiếc rễ to, khoẻ nhất của cây Chò hì hục cạy bắn. Những tảng đá trắng bị bẩy bật ra khỏi vách núi, lăn ầm ầm xuống lòng khe. Chúng mặc sức xô húc, nghiền nát những gì gặp phải trên lối đi.

Và điều khủng khiếp nhất đã xảy ra. Những tảng đá trắng trên đà lao xuống va đập vào nhau kêu tóe lửa. Ðám lá cây khô nỏ bắt lửa cháy bùng lên. Ngồi trên đỉnh núi cao, cây Chò khoái trá cười khanh khách. Nhưng chỉ một lát sau, lúc gió thổi hất ngược ngọn lửa về phía triền núi, nó không còn cười được nữa.

Thấy cảnh khu rừng xinh đẹp bị ngọn lửa tàn phá, dòng suối bỗng động lòng thương. Nó gắng khô nhanh để biến thành hơi. Hơi nước bốc lên trời kết tụ thành những đám mây. Chẳng mấy chốc, những giọt mưa đã rơi xuống cánh rừng. Qua gốc cây Chò già, những hạt mưa tí tách thầm thì: “Ta chính là… nước suối đây!”. Cây Chò già hổ thẹn chỉ còn biết cúi đầu trông cậy vào những hạt mưa đang cần mẫn dập tắt ngọn lửa trên mình nó.

 

BÁC RÙA TỐT BỤNG

 

Ðàn cá diếc mới lớn đang tung tăng bơi lội, nô đùa trong hồ nước. Nhìn cái gì, Diếc con cũng thấy lạ.

Bỗng có bác Rùa từ đâu bơi tới.

Diếc con tròn mắt nhìn. Lạ quá, cùng ở dưới nước mà bác ấy không giống họ hàng nhà cá: cái đầu thò ra, thụt vào. Cái đuôi ngắn ngun ngủn. Cái “nhà” trên lưng thật nặng nề. Lại còn bốn cái chân thô kệch nữa chứ!

Diếc con lại thấy từ bác cá Chép, cá Mè, cá Chuối đến chú Rô, Mương…khi gặp bác Rùa đều chào rất lễ phép, kính trọng.

Diếc con chê bác Rùa xấu xí. Diếc mẹ biết vậy liền kể:

– Bác Rùa cao tuổi nhất, hiểu biết nhất vùng hồ này. Nhờ có bốn chân, bác Rùa lên được bờ, biết nhiều cảnh, nhiều chuyện trên cạn. Bác rất tốt bụng, hay giúp đỡ người khác.

Buổi chiều kia, Diếc con bơi lửng lơ sát mặt nước, say sưa ngắm lão chim có bộ lông xanh biếc, tuyệt đẹp! Lão bay đứng lại như treo trên không trung, thật tài!

Chợt lão chim rơi tõm xuống nước, rồi lại bay lên ngay. Diếc nghĩ, lão chim cũng nghịch nước! Thoắt cái lão đã đứng như treo trên đầu Diếc con, nhìn Diếc chăm chú.

Bỗng lão chim lao vút xuống đầu Diếc, cùng lúc luồng nước mạnh mang một bóng đen to lớn ào tới, nhấn Diếc con chìm sâu xuống. Diếc con được bác Rùa cứu thoát khỏi lão Bói cá.

Biết chuyện, Diếc mẹ dẫn con đến cảm ơn bác Rùa. Thì ra, chính cái “nhà” nặng nề trên lưng bác Rùa đã che chắn, cứu Diếc con thoát khỏi mỏ lão Bói cá độc ác.

Diếc con rất nhớ ơn bác Rùa. Mỗi lần gặp bác Rùa, Diếc lễ phép chào:

– Cháu chào bác Rùa ạ!

 

MICKEY VÀ CHÚ ONG CHĂM CHỈ

 

Mickey đã có dịp giới thiệu với các bạn với loài ong bò vẽ rồi hôm nay chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về họ hàng nhà ong bạn nhé!

– Xin chào bạn ong chăm chỉ. Cậu bay đi đâu vậy?

– Chào các bạn tớ đang làm nhiệm vụ trinh sát đấy!

– Trinh sát ư?

– Chắc cậu lạ lắm nhỉ? Chúng tớ sống theo bầy đàn lớn nên cần phải có tổ chức xã hội rõ ràng nếu không thì loạn mất. Mỗi người được phân công công việc riêng. Ong trinh sát chúng tớ có nhiệm vụ bay đi tìm nguồn mật mới.

– À ra là thế. Giống như kiểu tổ chức sống bầy đàn của loài kiến hay loài mối phải không?

– Đúng rồi. Trong mỗi đàn có ong chúa này, ong thợ, ong non, và ong đực.

– Thế có nhiều ong chúa trong một đàn không?

– Không, chỉ có một ong chúa duy nhất thôi. Đó là ong cái làm nhiệm vụ chuyên đẻ trứng. Ong chúa có thể sống được 10 năm đấy các bạn ạ.

– Thế ong chúa già quá thì thế nào?

– Lúc đó sẽ lập đàn mới. Ong chúa chỉ được sinh ra khi ong phân đàn. Khi ong chúa trước đó quá già sinh nở kém hoặc là chết đi.

– Thế các con cái khác trong đàn có được đẻ trứng không?

– Không đâu. Ong thợ tuy là ong cái nhưng không có khả năng sinh nở. Chỉ làm nhiệm vụ lấy mật hoa, xây tổ, chăm sóc ong chúa và ong non thôi.

– Thế các cậu là những người chăm chỉ duy nhất đấy ong thợ nhỉ? Hình như có cái gì vướng ở chân cậu kìa.

– Cậu nhầm rồi! Đó là chiếc giỏ bé xíu để đựng phấn hoa của loài ong thợ đấy. Chúng tớ có lưỡi dài hơn các bạn ong khác để hút mật hoa mà.

– Thế các cậu lấy gì để nuôi ong non?

– Ở trên đầu tớ có hạch sinh sữa chúa để nuôi ong non.

– Thế bộ phận nào trên cơ thể cậu làm nhiệm vụ luyện mật?

– Đó là tuyến nước bọt ở ngực. Nơi đó có chất luyện mật hoa thành mật ong.

– Câu chuyện của các cậu thật là lí thú nhưng thời gian có hạn. Xin phép lần sau tớ phỏng vấn cậu tiếp nhé!

– Tớ rất sẵn sàng. Hẹn gặp lại các bạn nhé!

 

ANH TRAI CÀY VÀ LÃO NHÀ GIÀU

 

Thuở xưa, có một lão nhà giàu tham lam, bủn xỉn không ai bằng.

Tết đến, hắn ta rất thèm rượu nên bảo anh trai cày làm thuê cho nhà hắn mang chai ra chợ mua rượu mà lại không đưa tiền.

Anh trai cày ngạc nhiên hỏi:

– Thưa ông, không có tiền làm sao mua rượu được ạ?

– Ồ, có tiền thì ai mua chả được, không tiền mà mua được rượu mới là người thông minh tài giỏi chứ!

Nói xong, lão vỗ đùi cười ha hả, lấy làm đắc chí lắm! Hắn nghĩ bụng, thế nào anh trai cày cũng bỏ tiền túi ra mua để được tiếng là thông minh, tài giỏi.

Nghe lão nhà giàu nói vậy, anh trai cày liền cầm chai ra chợ. Một lát sau, anh xách chai về và đưa cho nhà chủ:

– Rượu đây mời ông uống đi.

Lão nhà giàu thấy chai không, tức mình, trợn tròn mắt, hỏi:

– Ồ! Chai không thế này có chi mà uống?

Anh trai cày vừa cười vừa đáp:

– Rượu đầy chai thì ai mà chả uống được, chai không mà vẫn uống được mới là người tài giỏi chứ!

Nói xong, anh bỏ đi để mặc lão nhà giàu đứng tiu nghỉu nhìn cái chai không.

 

CON CÒ

 

Một hôm, con Cò chân dài, mỏ dài, cổ dài đi dọc theo bờ sông.

Nước trong vắt như trong những ngày đẹp trời nhất. Con cá chép lượn tung tăng với con cá mè. Chúng bơi sát bờ. Nếu con Cò muốn bắt, có thể bắt dễ dàng. Nhưng nó nghĩ nên chờ một lúc nữa để cho đói hơn một chút nữa: nó ăn uống điều độ, đúng giờ giấc. Một lúc sau thấy đói, Cò tiến đến gần bờ, thấy những con cá rô ngoi lên mặt nước. Cò không thích những con cá này, nên chờ những con cá ngon hơn. Nó nói một cách khinh rẻ:

– Cò tôi mà lại thèm đi ăn những con cá rô tầm thường ấy sao? Người ta còn coi tôi ra gì nữa!

Chê bai cá rô, nó gặp một con cá lòng tong:

– Cá lòng tong! Đó là bữa ăn của một con Cò sao! Tôi thèm há mỏ vì những con cá ấy sao!

Cứ như thế, rốt cuộc Cò không tìm được con cá nào cả, khiến nó phải há mỏ vì một con vật kém hơn. Cơn đói tới, nó rất lấy làm sung sướng và dễ chịu khi bắt được một con ốc sên.

Bài học từ con Cò dạy chúng ta đừng nên khó tính quá. Muốn được nhiều sẽ mất tất cả. Cũng đừng chê bai, những người dễ tính mới là khôn khéo.

 

CHÀNG ĐỐN CỦI VÀ CON CỌP

 

Có một chàng trai vào rừng đốn củi. Anh thấy một con Cọp nằm chết bên đường, cạnh đó có một cái hang rắn. Xem kỹ, biết Cọp chết vì rắn cắn.

Vốn là người có bài thuốc trị rắn cắn, anh liền lấy thuốc xoa vào cho Cọp. Lát sau, Cọp tỉnh dậy, thấy mình mẩy bị dính thuốc, Cọp gầm lên:

– Tại sao mày làm bẩn người tao?

– Ông bị rắn cắn chết. Tôi xoa thuốc để cứu ông đó!

– Rắn cắn tao chết lúc nào? Tao đang ngủ đó chớ. Tao phải ăn thịt mày mới được – Cọp gầm lên.

Thấy tính mạng bị đe doạ, chàng đốn củi quay ra năn nỉ Cọp:

– Ông Cọp ơi! Ông đừng nóng vội. Tôi sẽ tìm người phân xử. Nếu tôi phá giấc ngủ của ông, tôi sẽ chịu để cho ông ăn thịt, còn nếu không phải thì ông tha mạng cho tôi.

Cọp đồng ý. Chàng trai lên đường. Ðầu tiên, gặp Trâu và Ngựa. Chàng trai kể cho Trâu và Ngựa nghe câu chuyện và kêu Trâu, Ngựa cứu mình. Trâu và Ngựa biết chàng đốn củi đúng, nhưng vì sợ Cọp nên nói với chàng trai:

– Anh sai rồi, anh ơi!

Ði quãng nữa, gặp Thỏ, chàng trai kể cho Thỏ nghe đầu đuôi câu chuyện. Thỏ nói:

– Tôi sẽ giúp anh.

Chàng trai quay lại chỗ cũ, tranh luận với Cọp. Thỏ giả vờ hỏi:

– Các người cãi nhau chuyện gì thế?

Cọp và chàng trai kể lại câu chuyện. Nghe xong, Thỏ bảo:

– Bây giờ, anh Cọp nằm lại đúng chỗ cũ, nếu một lúc sau không chết thì sẽ được ăn thịt chàng trai.

Cọp bèn nằm ngay chỗ cũ. Một lát sau, rắn độc bò ra khỏi hang, cắn chết Cọp. Thấy Cọp đã chết, Thỏ bảo chàng đốn củi:

– Anh đừng cứu nó nữa. Ði về đi!

Nói rồi Thỏ chia tay chàng trai để về chỗ ở.

 

SƠN TINH THỦY TINH

 

Thuở ấy, vua Hùng Vương thứ 18 có một cô con gái rất xinh. Vua muốn chọn chàng rể vừa hiền, vừa tài, nên truyền lệnh mở hội kén rể. Trai tráng khắp nơi nô nức kéo về kinh đô thi tài. Đã mấy ngày qua, biết bao nhiêu chàng trai tuấn tú, võ nghệ tài ba lần lượt ra trổ tài, nhưng vẫn chưa được nhà vua ưng chọn. Vua đã hơi thất vọng thì bỗng nhiên có hai người cùng một lúc tiến vào xin thi tài, một người tên là Sơn Tinh, còn người kia tên là Thủy Tinh. Vua truyền cho hai người cùng trổ tài. Lời vua truyền vừa dứt, Thủy Tinh đã vội ra oai, gây sấm sét đùng đùng, mây tuôn gió nổi, bốn bề nước đổ, trời đất tối tăm. Cả một vùng đất rung chuyển, thật là rùng rợn. Đến lượt Sơn Tinh liền khoan thai vẫy tay hóa phép dời núi, đổ cây, phá rừng vung đất chống lại trận nước dâng lên của Thủy Tinh. Sơn Tinh giơ gậy thần chỉ bốn phương, lập tức cảnh vật trở lại bình thường, trời trong, sông lặng, cây cỏ xanh tươi.

Vua Hùng thấy hai người cùng tài giỏi không biết nên gả con gái cho ai. Vua ngẫm nghĩ một lúc rồi phán rằng:

– Sơn Tinh và Thủy Tinh đều tài giỏi cả. Nhưng muốn lấy công chúa thì phải có lễ vật ra mắt ta! Vậy rạng sáng mai, ai đem của lạ vật quý đến trước, ta sẽ gả con gái cho người ấy!

Tờ mờ sáng hôm sau, Sơn Tinh đã mang lễ vật đến dâng vua, lễ vật của Sơn Tinh có voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao và bao nhiêu vàng bạc, châu báu. Vua Hùng giữ lời hẹn gả công chúa cho Sơn Tinh.

Thủy Tinh cũng đem ngọc châu, đồi mồi, san hô, bao giống tôm cá quý đến dâng vua. Nhưng Thủy Tinh đến chậm quá. Sơn Tinh đã rước công chúa về núi mất rồi.

Thủy Tinh không lấy được công chúa nổi giận dâng nước lên bao vây núi. Suốt ngày đêm, đất trời đen tối, mưa gió mịt mùng, đồng ruộng, đất đai ngập nước.

Sơn Tinh bình tĩnh tìm cách chống trả lại Thủy Tinh. Nước dâng cao bao nhiêu thì Sơn Tinh lại hóa phép làm cho núi dâng cao lên bấy nhiêu. Quân của Sơn Tinh từ trên núi ném đá tới tấp xuống nước làm cho quân lính của Thủy Tinh chết rất nhiều. Xác cá, xác ba ba, thuồng luồng… nổi đầy mặt nước.

Thủy Tinh đánh mãi vẫn không thắng được Sơn Tinh. Cuối cùng Thủy Tinh đành rút nước, lui quân về.

Tuy vậy Thủy Tinh vẫn không quên được chuyện xưa. Hàng năm cứ vào khoảng tháng bảy, tháng tám là Thủy Tinh lại dâng nước lên đánh Sơn Tinh.

 

CHIẾC MŨ ĐỎ

 

Gà mái đan được chiếc mũ đỏ rất đẹp. Nó đội lên đầu trông y như công chúa Bạch Tuyết. Thỏ bạch cũng rất thích chiếc mũ này, nó xin mượn gà mái cho đội một chút, nhưng gà mái không đồng ý.

Nhưng hai hôm sau, chiếc mũ đỏ của gà mái bỗng dưng biến mất. Nó nghi là Thỏ bạch lấy trộm, bèn đem ý nghĩ này nói với chim anh vũ. Chim anh vũ lắm điều lại kể cho Sơn dương và Vịt nghe. Thế là khắp khu rừng, mọi người đều biết là Thỏ bạch lấy trộm mũ của gà mái. Thỏ bạch rất giận nhưng không biết bày tỏ với ai đành vào rừng một mình chơi cho khuây khỏa. Chợt Thỏ trông thấy một con Chuột núi đang nhặt quả rừng bỏ vào một cái mũ đỏ, sau đó nó túm cái túi lại vác đi. Thỏ bạch thấy chiếc mũ này hình như rất quen, nó dụi dụi mắt nhìn kỹ, đúng là chiếc mũ đỏ của gà mái! Đúng lúc đó chim anh vũ ở đâu bay tới, Thỏ bạch nói:

– Cậu bay về gọi gà mái tới đây xem sao! Chiếc mũ đỏ ở đây này!

Chim anh vũ cũng đã nhìn thấy chiếc mũ đỏ liền bay vù đi ngay. Phút chốc, Gà mái, Sơn dương và Vịt con cùng tới. Mọi người bao vây chuột núi lại, gà mái gằn giọng:

– Thì ra mày lấy trộm mũ của tao!

Chuột núi ngơ ngác:

– Mũ gì cơ? Cái này là tôi nhặt được.

Bấy giờ gà mái mới sực nhớ lại, cách đây mấy ngày, nó vào rừng tìm sâu bọ ăn, mải mê bới đất, nó để chiếc mũ đỏ trên tảng đá rồi quên lấy về. Gà mái ân hận đi đến bên Thỏ bạch nói:

– Xin lỗi, tớ sai, tớ đã nghi oan cho cậu. Mình xin lỗi cả Chuột núi nữa, mình đã vội vàng nghĩ xấu về cậu.

Chim anh vũ đậu trên cành cây nói xen vào:

– Biết sai là tốt, lần sau chớ thấy gió đã bảo là mưa nhé.

– Giờ thì chúng ta nên giúp Chuột núi đem những quả này về – Thỏ bạch nói.

Rồi kẻ bưng người ôm, tất cả xúm lại giúp Chuột núi đưa quả về nhà.

 

CAO VÀ THẤP

 

Một sáng mùa xuân, Dê và Lạc Đà rủ nhau vào công viên chơi. Dê thì thấp bé, Lạc Đà thì cao lêu nghêu. Dê nói:

– Thấp là tốt nhất.

Còn Lạc Đà lại cho rằng “Cao vẫn tốt nhất”. Rồi sinh ra cãi nhau ầm ỹ.

Cả hai đã đến công viên, nhưng tường cao bốn bề, bên trong cây cối xum xuê, cành lá vươn cả ra ngoài tường. Lạc Đà chỉ cần ngẩng đầu lên là đã có những lá non ăn ngon miệng, còn Dê thì chịu…nhịn, nhìn Lạc Đà ăn mà thèm.

Lạc Đà đắc chí cười khì:

– Rõ ràng cao là tốt hơn thấp rồi chứ?

Cả hai định vào công viên, nhưng khốn nỗi cái cửa ra vào lại vừa hẹp, vừa thấp, Dê chui vào dễ dàng gặm cỏ non xanh, còn Lạc Đà thì quỳ chân, cúi đầu cố chui vẫn không vào được.

Dê ta lên mặt nói với Lạc Đà:

– Đúng là thấp tốt hơn cao như lời tôi nói không nào? Tôi nói cấm có sai.

Lạc Đà lắc đầu không nhận Dê đúng mình sai.

Cả hai tiến đến nhờ bác Trâu phân xử, bác Trâu hiền từ nói:

– Chỉ nhìn thấy điểm mạnh, không nhìn thấy điểm yếu của mình, thì chẳng ai đúng đâu.

Lạc Đà, Dê phục thiện, nghe ra ý nghĩa lời nói của bác Trâu, thấy mình không đúng, bác Trâu nói chí phải, cần lấy đó sửa mình.

 

CHIM CON LẠC MẸ

Một chị chim sẻ đang mải mê ấp ủ quả trứng bé nhỏ của mình. Một hôm, chị ngắm nghía quả trứng và thấy nó bắt đầu lúc lắc, lúc lắc.

Thấy quả trứng không nằm im, chim mẹ biết chim con sắp ra đời. Chim mẹ vội vã bay đi kiếm mồi cho con. Quả trứng ở trong tổ lúc lắc mãi rồi sau đó bỗng “rắc ” một cái, chú chim con ló đầu ra. Chú nhìn quanh bầu trời đầy nắng đẹp rồi gọi:

– Chíp, chíp, mẹ đâu rồi? Mẹ ơi! Mẹ ơi!

Chú ngó nghiêng tìm mẹ mãi mà chẳng thấy đâu. Chú ngẩng đầu lên, trời cao xanh biếc cũng chẳng thấy bóng dáng mẹ đâu. Chú nhìn xuống dưới đất cũng chẳng thấy mẹ đâu. Chỉ thấy cỏ xanh rờn! Chú nghĩ thầm: “Ta phải đi tìm mẹ thôi! ” và thế là chú nhảy ra khỏi tổ. Nhưng chú chim quá nhỏ, chưa đủ lông cánh, nên không thể bay được. Chú rơi từ từ xuống bãi cỏ mềm!

Thấy chú chim nhỏ ngơ ngác trên bãi cỏ, bác chó liền hỏi:

– Gâu, gâu! Mẹ cháu đâu? Mẹ cháu đâu?

Chim con sợ hãi lắc đầu.

Chị mèo đi ngang qua thấy thế liền dừng lại nhỏ nhẹ:

– Meo, meo, meo, hãy đi theo! Hãy đi theo! Chúng tôi giúp.

Thế là chó cho chim nhỏ đậu trên lưng và cùng với mèo đi tìm chim mẹ.

Qua một cánh đồng, chúng hỏi bác bò đang say sưa gặm cỏ, bác trả lời rằng:

– Ùm bò, ùm bò, tôi không biết! Thôi để tôi hỏi chị gà mái mơ xem sao?

Gặp gà mái mơ đang dẫn đàn con đi kiếm ăn, mèo liền chỉ vào chim con và hỏi:

– Có phải con của chị không?

Gà mái mơ ngó nghiêng nhìn rồi vội quay lại đếm đàn gà con:

– Một, hai, ba, bốn… Cục, cục, cục… đủ một chục. Ồ! Con tôi đủ cả đây rồi.

Nhìn kỹ chim nhỏ lần nữa, gà mái mơ bỗng reo to:

– A! Đây chính là con của chị chim sẻ mà. Chị sẻ đang bắt cào cào, châu chấu ở đằng kia kìa!

Bên ruộng lúa chín, chị chim sẻ đang cố tha một con cào cào béo ngậy. Nghe tiếng chim con gọi vang:

– Mẹ ơi, mẹ ơi! Con đây mà.

Chim sẻ mẹ vội chạy lại mớm cho con miếng mồi tươi ngon vừa kiếm được. Chim sẻ mẹ vui mừng nói:

– Cảm ơn các bác đã giúp cho mẹ con tôi.

Chó, mèo, gà mái mơ đều mừng cho sẻ con tìm được mẹ.

 

CÔNG CHÚA THAM LAM

Câu chuyện về cô công chúa tham lam lừa hoàng tử tốt bụng.

Ngày xưa, có một vị vua già trước khi chết để lại cho con trai mình ba bảo vật: Một túi thần lắc ra tiền vàng, một ống sáo thổi ra binh lính và một thắt lưng đưa người đi theo ý muốn.

Lúc ấy, ở nước láng giềng có một nàng công chúa rất xinh đẹp. Vị vua trẻ liền sang cầu hôn. Trước sắc đẹp của nàng, nhà vua trẻ đã đem ra khoe chiếc túi màu nhiệm của mình.

Không ngờ, công chúa nổi lòng tham, đêm đến nàng tráo lấy cái túi thần. Sáng hôm sau, trên đường về, vị vua trẻ phát hiện ra sự việc, chàng nổi giận lấy sáo thần thổi ra một đạo quân, ở lại đòi báu vật.

Sợ hãi, công chúa vờ lượm được, đem trả lại túi thần, rồi dùng lời ngon ngọt khiến nhà vua trẻ, một lần nữa lại xiêu lòng và tiết lộ bí mật cả hai báu vật còn lại cho nàng biết.

Đêm ấy, công chúa lén lấy cả ba báu vật và giam chàng vào ngục. May thay, một tên lính chịu ơn cha chàng khi xưa, đã cứu chàng thoát ra khỏi ngục để đền ơn.

Chàng trai mải miết chạy vào rừng, chàng chạy đến khi đói lả, thất vọng và mệt mỏi chàng định lao xuống vực sâu tìm cái chết, nhưng chàng không chết. Khi đang rơi chàng bị vướng vào một cành cây đầy trái chín. Đói quá chàng liền hái ăn và bỗng nhiên cái mũi của chàng bỗng hóa dài ra như cái vòi voi.

Chàng sợ quá vội chạy đến dòng suối dưới gốc cây rửa mặt thì lạ thay cái mũi chàng vụt ngắn lại như xưa. Nhà vua trẻ vui mừng nghĩ: “Ta đã tìm được liều thuốc cho con người tham lam, gian ác kia rồi”.

Thế là chàng bèn hái nhiều quả chín đem về hoàng cung bán. Thấy quả ngon, cả hoàng cung tranh nhau mua ăn, nhưng ngờ đâu sau khi ăn xong mọi người đều bị cái căn bệnh mũi dài kì lạ như nhà vua trẻ.

Nhiều ngày sau, chàng lại lấy nước suối trị bệnh đến và đòi lấy ba báu vật của mình. Riêng nàng công chúa, chàng không hề cho nước trị bệnh, chàng nói: “Nàng, nàng đáng phải chịu hình phạt như thế”.

Thế là nhà vua trẻ quay về vương quốc của mình. Còn nàng công chúa đẹp mặt nhưng xấu lòng ấy suốt đời phải mang cái mũi kỳ dị. Thế mới biết sống trên đời làm ác thì ắt phải gặp việc ác.

 

AI BIẾT ĂN DÈ

Một hôm, các con vật nhỏ trong rừng tổ chức cuộc thi vui. Thi ăn. Không phải ăn nhanh, ăn nhiều mà là… ăn dè. Thỏ, Nhím và Sóc đã dự thi. Ban giám khảo phát cho mỗi con mười hạt đậu. Ai ăn được lâu nhất sẽ đoạt giải thưởng.

Thỏ ăn mỗi ngày một hạt, được 10 ngày.

Nhím ăn mỗi ngày nửa hạt, được 20 hôm.

Sóc tuy nhỏ thế mà chỉ trong bốn ngày đã chén sạch. Phải đứng hạng bét là cái chắc.

Ban giám khảo đợi Nhím ăn xong nửa hạt đậu cuối cùng mới vui vẻ mời bác Khướu có giọng hót vang xa thông báo:

– Vô địch ăn dè là… Nh..í…m!

Tất cả đều hoan hô Nhím.

Ðúng lúc ấy, Sóc bước ra nói:

– Thưa Ban giám khảo, cháu còn hai hạt đậu nữa chưa ăn.

Bác Khướu hỏi:

– Hai hạt đậu ấy đâu?

Sóc thưa:

– Xin Ban giám khảo đi cùng cháu.

Nói rồi, Sóc dẫn cả bầy đàn đông đảo tới vạt đất nhỏ, ngoài bìa rừng và đứng lại. Bác Khướu thấy Sóc không đưa hai hạt đậu ra, mới giục:

– Hai hạt đậu của cháu đâu?

Sóc liền trỏ vào hai cây đậu nhỏ đã có lá, có ngọn, đáp:

– Thưa bác, đây ạ! Cháu đã trồng đúng 20 hôm.

Tất cả bấy giờ mới à lên, trầm trồ:

– Giỏi quá! Sóc mới là nhất!

Với hai cây đậu ấy, Sóc sẽ có hàng trăm hạt đậu nữa…

LO TRƯỚC CHẮC ĂN

Vào những ngày hè, Kiến vừa đi dạo hết cánh đồng vừa thu nhặt các hạt lúa mì, lúa mạch để dự trữ lương thực cho mùa đông.

Bọ Rầy thấy thế liền chế giễu Kiến phải làm chi cho cực trong lúc các loài vật khác được nghỉ ngơi vui chơi, đắm say vào các cuộc hội hè. Kiến vẫn cứ lặng thinh làm việc.

Khi mùa đông đến, trời mưa dầm dề, Bọ Rầy không tìm được thức ăn, đói lả, bèn đến hỏi Kiến vay lương thực. Kiến bảo: “Chị Bọ Rầy ạ, giá trước đây chị cứ lo làm, đừng quở trách gì tôi thì bây giờ đâu đến nỗi chị phải chịu ngồi đói meo!”.

 

GẤU, SƯ TỬ VÀ CÁO

Hươu non bị chết tươi vì ăn phải bã độc.

Sư tử và Gấu nhìn thấy xác Hươu liền tranh nhau miếng mồi. Hai con mãi đánh nhau nên không thấy Cáo cũng mò đến. Lợi dụng lúc Sư tử và Gấu không chú ý tới mình, Cáo tha Hươu vào bụi ăn một bữa no rồi ngấm độc ngã lăn ra chết.

Vật nhau một hồi, Sư tử và Gấu không thấy Hươu đâu nữa liền buông nhau đi tìm mới thấy Cáo chết vì thịt Hươu nhiễm độc. Sư tử và Gấu lúc đó mới bảo nhau rằng:

– Đáng đời cho con Cáo láu lỉnh và tham lam kia, nhờ nó mà hai ta khỏi chết.

 

HƯƠU VÀ CÁO

Một hôm, Hươu gặp lại kẻ thù cũ của nó là con Cáo đang bị mắc bẫy nằm lăn giữa rừng.

Hươu mon men đến gần, giơ cao chân giận dữ nện mạnh cuống đầu Cáo. Thấy Hươu giơ chân, Cáo nhau nhảu né nên tránh được. Vì vậy, chân Hươu giậm phải cần bẫy nên Cáo rút được chân ra.

Cáo chuồn xa khỏi bẫy rồi ngoái lại bảo Hươu:

– Được một kẻ thù ngu ngốc như anh, tôi thật thích như có người bạn tốt.

 

CON CÔNG VÀ CON QUẠ

Ngày xưa, con công với con quạ làm bạn với nhau thân lắm, vì hai con cùng xấu cả. Một hôm công và quạ ngồi nói chuyện với nhau, Quạ bảo công:

Bạn nghĩ xem, các giống chim trên rừng, trên núi, giống nào cũng đẹp. Này như: con phượng hoàng, cái mình nó quý giá biết bao, đến nỗi người ta thường khen: “Một cái lông con phượng hoàng bằng cả một làng chim chích”. Còn như con hạc, cái hình, cái dáng, cái chân, cái tóc nó thanh tao biết bao, để cho người ta phải nói:” Hạc đứng chầu Vua…”. Còn như anh em ta đây! Than ôi! Thân hình thật không còn giống nào xấu bằng!

Công nói:

– Phận xấu đành vậy, chớ biết làm sao bây giờ?

Quạ nghĩ một lúc rồi bàn rằng:

– Xấu mà làm ra đẹp, cũng được chớ gì! Bây giờ hai đứa ta thử tô điểm vẽ vời lẫn cho nhau xem có đẹp hay không?

Công bằng lòng.

Quạ bèn tô điểm, vẽ vời cho công trước. Quả nhiên cái mình, cái đuôi công lóng lánh, có bao nhiêu màu sắc đẹp, đẹp hơn những giống chim khác nhiều.

Đến lượt công tô điểm, vẽ vời cho quạ, thì chợt nghe tiếng ríu rít của biết bao chú chim ở phía đông bay lại. Quạ liền hỏi:

– Các bạn đi đâu mà kéo đàn, kéo lũ như thế?

Đàn chim nói:

– Chúng tôi nghe đồn ở dưới phương Nam có thật nhiều gạo, nhiều gà, và rất nhiều đồ ăn ngon khác…. Chúng tôi rủ nhau đi kiếm ăn đâỵ Anh làm gì đấy?… Hay ta cùng đi một thể?

Quạ nghe nói, trong lòng háo hức muốn đi theo đàn chim kia ngay lập tức. Nó nói với công:

– Bây giờ mà tôi ngồi đợi để cho anh tô điểm vẽ vời thì chưa biết đến bao giờ mới xong. Thôi, sẵn đĩa mực đây, anh cứ cầm thế mà đổ lên mình tôi để tôi đi theo bọn kia, kẻo lỡ mất một dịp may kiếm ăn tốt.

Công thấy quạ bảo thế, chiều ý làm theo, cầm cả đĩa mực dốc vào mình quạ. Thành bao nhiêu lông cánh của quạ toàn một màu đen như mực.

Quạ bay đi kiếm ăn không còn nghĩ gì đến xấu với đẹp nữa. Nhưng đến lúc ăn no trở về, quạ thấy con cò trắng muốt bay qua trông thấy nó mà cười. Quạ tức lắm…, bèn ngắm lại mình thì ôi thôi…. Quạ thấy mình đen thui thủi, thiệt xấu xí, thẹn quá bèn bay đi trốn.

Từ đó, không ai còn thấy quạ đâu nữa, trừ nơi hoang dã vắng vẻ.

CHUYỆN HAI CON NGỰA

Ngựa Cái ngày đêm không làm lụng gì hết và chỉ tha thẩn trên cánh đồng, còn Ngựa Đực đêm đêm mới được thả đi ăn, ban ngày phải cày đất. Thấy vậy Ngựa Cái mới bảo Ngựa Đực:

– Anh việc gì phải kéo cày? Giá tôi ở địa vị anh thì tôi không có chịu. Chủ mà lấy roi quật tôi, tôi sẽ tung vó đá lại.

Sang ngày hôm sau, Ngựa Đực bèn nghe lời Ngựa Cái. Bác nông dân thấy Ngựa Đực trở nên ương bướng, bèn đóng Ngựa Cái vào vai cày.

Xúi giục kẻ khác làm bậy trước tiên làm hại chính mình.

CON CHỒN BẠCH

Chồn Bạch thích người thanh niên đẹp trai, cầu xin Thần Ái Tình biến nó thành cô gái đẹp. Thần bèn hoá thân nó thành một cô gái kiều diễm. Chàng thanh niên thoạt nhìn đã xiêu lòng, dẫn cô gái về nhà. Khi hai người ở trong phòng, Thần Ái Tình muốn biết tình yêu có làm thay đổi tính nết nó không, thần bèn thả chuột ra giữa phòng.

Chồn Bạch quên phắt nó đang ở dạng người vội vồ lấy chuột, cắn xé nó. Thần giận Chồn, bèn cho nó trở lại hình dạng cũ. Có những kẻ bản chất xấu xa, dù đã thay hình đổi dạng, nhưng tâm địa không thay đổi.

 

CHIM SƠN CA

Bụi trường xuân vừa ra hoa, Sơn Ca lập tức đoán ra ngay cái nguy cơ rình rập loài có lông vũ. Tập hợp các loài chim lại, nó lên tiếng thuyết phục chúng:

– Tốt hơn hết là nên hạ cây sồi có bụi trường xuân mọc trên đó. Nếu không làm nổi việc đó thì nên bay đến gặp loài người để cầu xin họ đừng dùng bụi trường xuân để săn chim.

Nhưng các lồi chim không nghe lời và chế nhạo nó. Sơn Ca liền bay đi để gặp loài người để xin điều đó. Nhờ sự khôn lanh của nó, loài người đã chịu để nó sống bên cạnh mình. Chính vì thế các loài chim khác đều bị loài người bắt ăn thịt, chỉ riêng có loài Sơn Ca xin được nương náu bên cạnh loài người là không bị đụng đến, được loài người cho phép xây tổ bình yên trong nhà của họ.

Truyện ngụ ngôn này cho thấy ai có khả năng nhìn thấy trước sự việc thì dễ dàng tránh khỏi những cảnh hiểm nghèo.

 

AI KHỎE

Ðã lâu lắm rồi có xảy ra việc Rùa, Hà Mã và Voi tranh luận với nhau xem ai khỏe hơn. Tranh cãi hoài mà chẳng ngã ngũ, kết luận thế nào được!

Hà mã và Voi xem thường Rùa ra mặt, bảo Rùa vừa bé nhỏ, vừa ngu đần mà còn dám tranh luận thì thật chẳng biết lượng sức mình! Rùa tức quá, thách thi với Hà mã và Voi xem ai khỏe? Hà mã và Voi bảo rằng muốn thi thế nào cũng được.

Rùa bò đi lấy một cuộn dây, cắt ra một đoạn ngắn, buộc vào giữa đoạn dây dài, nói:

– Có ba đầu dây. Chúng ta hãy nắm lấy một đầu mà kéo. Ai không bị hai người kia kéo về phía mình thì kẻ đó khỏe nhất!

Hà mã và Voi đồng ý ngay, mỗi người nắm lấy một đầu dây, quấn quanh cổ mà ra sức kéo. Rùa thì đem đầu dây của mình quấn quanh một thân cây, vừa hò, vừa hét, giả bộ như cũng cố sức mà kéo.

Hà mã và Voi cố sức kéo tới nửa ngày, cổ trầy cả da ra, sức cạn kiệt tới mức ngã quỵ xuống, không dậy nổi.

Còn Rùa thì chạy tới bên chúng vẫn khỏe như lúc đầu, bảo:

– Thế nào? Cuối cùng thì ai khỏe nhất đây?

– Anh là người khỏe nhất rồi! Anh thắng cuộc thi này rồi!

Hà mã và Voi đều hổn hển nói thế, mặt đỏ lựng lên!

 

SỰ TÍCH CON CÀO CÀO

Cào cào xưa kia là một cô gái đẹp. Tính cô thích ăn diện nhưng vì nhà nghèo nên cô chưa được thỏa ý muốn.

Một hôm, nhà vua bị lạc mất cô công chúa bèn sai quân lính đi tìm. Lúc đó, cô gái đẹp đang kiếm củi dưới gốc cây sấu lớn bên đường. Tốp lính thứ nhất đi qua, hỏi rằng:

– Cô có thấy công chúa qua đây không?

Cô gái nhìn thấy toán người này có nhiều quần áo đẹp, cái nào cũng bay trong gió như tấm lụa màu hồng. Cô thích quá liền bảo:

– Cho tôi một chiếc, tôi đang rét lắm! Rồi tôi sẽ chỉ đường cho.

Tốp lính cho cô một chiếc áo rồi đi theo hướng cô đã chỉ.

Một lúc sau, có tốp lính khác chạy qua, mặc toàn áo xanh màu lá. Trông thấy cô gái, họ dừng lại hỏi:

– Cô ơi có thấy công chúa chạy qua đây không?

Cô gái nghĩ: “Tốp trước đã cho ta áo hồng, tốp này có áo xanh.Ta xin một cái mặc cho đẹp”. Nghĩ vậy, cô bảo họ:

– Tôi đang rét lắm, các ông cho tôi một cái áo thì tôi sẽ chỉ cho.

Tốp lính bảo nhau cho cô gái cái áo rồi họ tiếp tục đi theo đường cô chỉ. Ðược hai cái áo, cô thích quá, thầm chắc rằng về nhà ai cũng phải khen.

Khi cô chuẩn bị về, toán lính nữa mặc toàn áo màu trắng như nước suối. Họ thấy cô gái và cũng lại hỏi về công chúa. Quen như hai lần trước, cô đòi một cái áo rồi mới chỉ đường. Thế là cô có ba cái áo: một hồng, một trắng, một xanh. Cái nào cũng đẹp.

Cô khoác cả ba cái vào, ngắm nghía, nhảy nhót tung tăng. Bỗng trên trời có tiếng sét nổ dữ dội, làm một cành sấu rơi xuống đầu cô gái. Cô bị bẹp đầu rồi chết, hóa thành con cào cào, suốt ngày tung tăng bay nhảy với bộ áo ba màu.

 

Scroll to Top