Mật thư Thánh Kinh

Các bạn thân mến, trong Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam thì chuyên môn Mật Thư có lẽ chúng ta hay sử dụng nhất, nhưng để sử dụng mật thư sao cho hiệu quả thì đó cả là một nghệ thuật. Hôm nay mình xin chia sẻ với các bạn sơ lược về Mật thư Thánh kinh, một trong những chuyên môn mà mình yêu quý nhất trong phong trào TNTT .

Mật thư là gì ?

Mật thư là một văn bản chứa đựng một thông tin hay mệnh lệnh đã được mã hóa để giữ bí mật nội dung và chỉ giải mã được bằng những quy ước đã quy định trước bởi người gởi và người nhận.

Mật thư thường có 2 phần: Bản tin và chìa khóa

Bản tin( BT):

Là những ký tự hoặc hình vẽ, thoạt đầu có vẽ rất khó hiểu. Sau khi nghiên cứu kỹ chìa khóa, ta sẽ tìm ra hướng giải bằng cách đối chiếu những dữ kiện mà chìa khoá đã gợi ý.

Chìa khóa:

Một hình thức gợi ý cho người dịch tìm ra hướng giải mật thư. Chìa khóa có thể là một câu thơ hoặc một ký hiệu nào đó bằng hình vẽ.Chìa khóa được viết tắt là CK, Key hoặc được ký hiệu là OTT, On, O=n,…
Sau khi giải mã xong, ta sẽ được một bản văn hoàn chỉnh, ta gọi đó là: bạch văn.

Bạch văn( BV):

Là một văn bản hoàn chỉnh, tức là sau khi dịch xong, ta viết ra thành một bức thư bình thường mà ai cũng có thể đọc được.
Có thể nói trong một mật thư thì hệ thống mã hóa là cái ổ khóa mà nhìn vào ta có thể thấy được dễ dàng, còn khóa mới chính là cái chìa để mở, việc hiểu được khóa mới có thể cho ta một cái chìa vừa vặn để mở cái ổ đó.
Trong các cuộc thi trò chơi lớn, muốn giải một mật thư đưa ra ta cần xem xét bản tin để tìm hiểu hệ thống mã hóa mà mật thư sử dụng, và xem xét khóa để giải.

Phân loại

Có tất cả bốn hệ thống Mật thư chính thức: Ẩn giấu, Dịch chuyển, Thay thế,Tọa độ (nhưng trong mỗi hệ thống lại có nhiều dạng, trong mỗi dạng lại có nhiều kiểu, có vài kiểu lại chia thành nhiều thể…)

MẬT THƯ THÁNH KINH

M
Mật thư Thánh Kinh là mật thư được thiết lập trên các “khóa” là những câu Kinh Thánh được biến thể theo những hình thức khác nhau. Mật thư Thánh Kinh không chỉ đòi hỏi người dịch mật thư cần đọc kỹ “khóa” và suy luận ra cách giải mã bản tin mà còn đọc kỹ khóa và suy luận điều Chúa muốn nhắn gửi qua chiếc chìa khóa Kinh Thánh ấy.

Như thế nào thì được xem là một Mật thư Thánh Kinh?
Để có được một Mật thư Thánh Kinh thì cần có những điều kiện sau:

  • Mật thư Thánh Kinh có chìa khóa phải luôn là một đoạn trích Kinh Thánh hoặc được rút gọn bằng xuất xứ Kinh Thánh.
  • Nhằm tối đa hóa lợi ích của Mật thư Thánh Kinh thì người tạo mật thư thường sử dụng xuất xứ Kinh Thánh làm chìa khóa nhằm giúp người giải mã mật thư luôn mang bên mình sách Kinh Thánh.

Và kìa, có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Đây được gọi là đoạn trích Kinh Thánh.

Lc 13, 30 là xuất xứ Kinh Thánh
Khóa phải gắn kết với bản tin chứ không phải là một câu vu vơ.
Mật thư Thánh Kinh luôn mang tính giáo dục( nhân bản, kỹ năng,…)
Phải có sự chính xác vì Kinh Thánh là tuyệt đối và không thể thay đổi.

Lợi ích của Mật thư Thánh Kinh

  • Để giải được mật thư Thánh Kinh thì lúc nào bên cạnh người giải phải có một quyển Kinh Thánh. Điều này giúp ta lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng để đọc Lời Chúa.
  • Giúp người giải mật thư biết cách mở sách Kinh Thánh vì chìa khóa luôn là một câu xuất xứ đòi hỏi phải lật sách Kinh Thánh.
  • Giúp người giải mật thư có thể biết nhiều hơn về Kinh Thánh.
  • Giúp người giải mật thư có thể nghiềm ngẫm Kinh Thánh.
  • Khi nghiềm ngẫm Kinh Thánh thì sẽ dễ dàng nhớ được Kinh Thánh một cách tốt hơn, giúp thấm nhuần Lời Chúa vào chính mình và có thể dể dàng thúc đẩy mình thực hành Lời Chúa.

PHẦN 1: HỆ THỐNG ẨN DẤU

Với các mật thư thuộc hệ thống ẩn dấu, bạch văn sẽ bị ẩn hoặc biến mất trong đoạn mật mã bởi các ký tự giả.Các ký tự giả sẽ xuất hiện theo một trật tự có logic (cách đều nhau hoặc là những từ mà khóa muốn loại bỏ).
Đây là hệ thống mật thư đòi hỏi sự nhận xét bao quát về đoạn mật mã khi giải vì xen lẫn bạch văn là các ký tự giả.

CÁC DẠNG MẬT THƯ

1.Dạng nhận lấy:

Đây là dạng mật thư có khóa hướng dẫn chúng ta tìm lấy các chữ – ký tự của bạch văn đang bị ẩn trong bản tin.
Ví dụ:
BT: HUYNH – OWR – CUNGF – JESUS – MEENS – ANH – AOS – TOOI – JESUS – THAOR – HIEENF – UOONS –WITCH.
O=n: Mt 23, 36
Hướng dẫn:Mt 23, 36: “Tôi bảo thật các người: tất cả những tội ấy sẽ đổ xuống đầu thế hệ này”
Chìa khóa gợi mở cho chúng ta biết cần lấy những chữ ở đầu bản tin. Vì bản tin được chia thành nhiều đoạn ký tự nên ta chỉ có thể lấy các ký tự đầu tiên của từng đoạn.
Bạch văn: HOCJ MAATJ THUW ( HỌC MẬT THƯ)

2.Dạng loại bỏ:

Đây là dạng mật thư có khóa hướng dẫn chúng ta loại bỏ đi các chữ – ký tự đang che lấp đoạn bạch văn. Sau khi loại bỏ các chữ – ký tự ấy thì đoạn mật mã còn lại của bản tin chính là đoạn bạch văn ta cần tìm.
Ví dụ:
BT: TOH – IAE – ELU – SVZ- NTH – IVZ – TKH – ANN – HOS – ZHT – HIE – EPR.
O=n: Mt 16, 24
Hướng dẫn:Mt 16, 24: “Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo.”
Từ chìa khóa ta có được “bỏ mình” tức là bỏ những ký tự ở giữa. Ta loại bỏ các ký tự ở giữa mỗi đoạn ta sẽ có được bản bạch văn: THIEEUSZNHIZTHANHSZTHEER. Những ký tự Z chính là khoảng cách nên bạch văn chính xác sẽ là THIEEUS NHI THANHS THEER.

3.Dạng kết hợp:

Đây là dạng mật thưkết hợp giữa hai dạng trên. Ở dạng này khóa sẽ hướng dẫn chúng ta vừa tìm lấy phần bạch văn đang bị ẩn vừa hướng dẫn loại bỏ đi các chữ – ký tự đang che lấp đoạn bạch văn đó.
Ví dụ:
BT: YCLOIN DTIHUIREQETNHCLHEUNASS SLIAUMOFKNIGTUCOIWEIVF.
O=n: Lc 17, 36
Hướng dẫn: Lc 17.36: ‘Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại’
Theo chìa khóa thì một đi và một ở nên ta chỉ việc bỏ một ký tự rồi lấy một ký tự cho tới khi hết bản tin thì những ký tự được lấy sẽ ráp lại thành đoạn bạch văn mà ta cần tìm
Bạch văn: CON THIEEN CHUAS LAMF NGUOWIF (CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI)

4.Mực vô hình:

Dạng mật thư nàysử dụng những hóa chất để viết mật thư. Khi khô đi sẽ không để lại dấu vết gì trên trang giấy. Nguời nhận thư sẽ dựa vào khóa để tìm ra loại hóa chất có thể tương tác với loại hóa chất dùng để viết mật thư, làm cho nét chữ hiện ra.
Ví dụ:
Khi sử dụng các loại hóa chất để viết mật thư như: nước trái cây, nước đường, mật ong, giấm, sữa, phèn, sáp đèn cày ,…thì chúng ta sử dụng một số mật thư gợi ý việc hơ lửa để tìm bạch văn:
O=n: Lc 12.49: (Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên) hoặc:
O=n: 1Cr 3.13b: (Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng.Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người)…
Hay khi sử dụng xà bông, huyết thanh,… để làm mật thư thì khóa gợi mở nhúng nước để tìm bạch văn:
O=n: Mc 1.9-10: (Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazareth miền Galile đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Jordan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình)

Trên là những sơ lược về mật thư Thánh Kinh, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm hoặc cần tài liệu thì đừng ngại liên hệ với mình nhé. Nếu bạn thấy bài viết hay thì để lại bình luận phía dưới nhé và chia sẻ với mọi người nhé :).

1 bình luận trong “Mật thư Thánh Kinh”

Bình luận đã bị đóng.

Lên đầu trang